Y tế Việt Mỹ (AMV) kinh doanh quý 4 đi lùi, nợ ngắn hạn tăng cao
CTCP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (Mã: AMV) ghi nhận lợi nhuận năm 2022 đi lùi, nợ ngắn hạn cũng gia tăng không ít.
CTCP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (Mã HNX: AMV) được thành lập từ năm 2002 bởi 3 cổ đông sáng lập với số vốn điều lệ ban đầu là 15 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm, mua bán trang thiết bị y tế, kinh doanh địa ốc, đầu tư tài chính... Trong thời gian vừa qua, Y tế Việt Mỹ đang có những dấu hiệu xuống sức khi mà hoạt động kinh doanh quý 4 gần nhất của đơn vị này sa sút cả về doanh thu lẫn lợi nhuận mang lại.
Cụ thể thì trên báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 năm 2022, Y tế Việt Mỹ ghi nhận doanh thu thuần đạt 59 tỷ đồng, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói đó là quy mô doanh thu giảm nhưng giá vốn lại tăng từ 36,5 tỷ đồng lên 47,7 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận gộp mang về bị suy giảm đáng kể. Ghi nhận lợi nhuận gộp chỉ đạt 11,2 tỷ đồng, giảm tới 4,3 lần so với quý 4 năm 2021.
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng quy mô doanh thu suy giảm khiến cho các chi phí trong kỳ cũng được tiết giảm hơn. Chi phí tài chính giảm nhẹ từ 5,8 tỷ đồng xuống chỉ còn 5,2 tỷ đồng; chi phí bán hàng không biến động nhiều, ở mức 176 triệu đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 6,6 tỷ đồng xuống chỉ còn 3,8 tỷ đồng.
Dù chi phí đã được cắt giảm nhưng do giá vốn cao cùng doanh thu sụt giảm đã khiến lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Y tế Việt Mỹ giảm xuống chỉ còn 1,4 tỷ đồng, tương đương với việc lợi nhuận bốc hơi tới 96% so với cùng kỳ.
Lũy kế doanh thu cả năm 2022 của Y tế Việt Mỹ đạt 281,8 tỷ đồng, tăng 25,9% so với năm 2021. Mặc dù doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm từ 81,6 tỷ đồng xuống chỉ còn 55,2 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ giảm tới 32,4% so với năm 2022. Như vậy, có thể thấy rằng tình hình kinh doanh bết bát của quý 4 đã gây ảnh hưởng và kéo lùi toàn bộ thành quả của năm 2022 mà Y tế Việt Mỹ đã đạt được.
Dù vậy nhưng cơ cấu tài sản của Y tế Việt Mỹ trong năm 2022 lại vẫn ghi nhận một số tín hiệu tích cực. Tổng tài sản của AMV tăng từ 1.530 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng 30,7%. Trong đó phần tăng thêm chủ yếu đến từ tài sản ngắn hạn với chỉ tiêu về trả trước cho người bán ngắn hạn tăng từ 527,4 tỷ đồng lên 917 tỷ đồng.
Ngược lại, hàng tồn kho lại giảm từ 308,3 tỷ đồng xuống chỉ còn 238,3 tỷ đồng. Tài sản dài hạn đi ngang ở mức 519,7 tỷ đồng với cơ cấu phần lớn nằm ở bất động sản đầu tư.
Trong cơ cấu nguồn vốn của Y tế Việt Mỹ, nợ phải trả chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ, với 324,5 tỷ đồng, tương đương 16,2% tổng nguồn vốn. Điều này cho thấy rằng đơn vị không tận dụng đòn bẩy tài chính nên khó có thể đạt được sự bùng nổ về quy mô tài chính. Nợ ngắn hạn của công ty có xu hướng tăng cao, từ 157,2 tỷ đồng lên 182,1 tỷ đồng. Các khoản vay nợ của AMV cũng chủ yếu là nợ vay dài hạn với 140,4 tỷ đồng, nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn chỉ chiếm 30,3 tỷ đồng và gần như không biến động nhiều trong năm 2022.
Về vốn chủ sở hữu, vốn góp của chủ sở hữu tăng từ 911,1 tỷ đồng lên 1.311,1 tỷ đồng. Trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận ở mức 292,7 tỷ đồng.
Tuy tổng tài sản gia tăng nhưng phần tăng chủ yếu đến từ vốn góp của chủ sở hữu. Trong khi đó, một dấu hiệu khác cho thấy sự đi xuống trong tình hình tài chính của AMV có thể dễ dàng nhận thấy đó là lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh của đơn vị đang âm rất nặng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2022 âm tới 346,2 tỷ đồng, dù đã có cải thiện hơn so với khoản âm 437,4 tỷ đồng năm 2021 nhưng điều này vẫn cho thấy Y tế Việt Mỹ đang thiếu hụt nguồn tiền để duy trì hoạt động trầm trọng.
Trong khi đó lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng không biến động quá nhiều, chỉ ở mức 8,2 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương tới 387 tỷ đồng, chủ yếu đến từ tiền thu phát hành cổ phiếu và nhận vốn góp của chủ sở hữu.