Y tế Việt Nam - phòng tuyến vững chắc trước đại dịch COVID-19
Ngành y được gọi là lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến khốc liệt giữa con người với virus SAR-COV 2. Và trong trận chiến đó, những 'chiến sỹ áo trắng' của Việt Nam đã làm nên không ít kỳ tích....
Hơn 2 năm qua, khi đại dịch COVID-19 càn quét không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới, y tế là lĩnh vực được nhắc đến nhiều nhất, được quan tâm nhất, gian khổ nhất và cũng được tôn vinh nhất.
Ngành y được gọi là lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến khốc liệt giữa con người với virus SAR-COV 2. Và trong trận chiến đó, những “chiến sỹ áo trắng” của Việt Nam đã làm nên không ít kỳ tích trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, khiến cộng đồng quốc tế cảm phục, trân trọng.
Đã có rất nhiều hy sinh được đánh đổi để người dân có lại cuộc sống an lành
Năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nhà khoa học nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023; có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Tuy nhiên, việc bao phủ vaccine và có thuốc điều trị đã giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Do vậy, nhiều quốc gia đã thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh, từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.
Việt Nam không nằm ngoài sự xâm nhập của SAR-COV 2. Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành, nhất là đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4/2021 tại Việt Nam với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm. Trong lúc chưa có đủ vaccine, thuốc chữa bệnh, chưa hiểu hết về biến chủng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế, Việt Nam bắt buộc phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân.
Với quan điểm nhất quán: đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, Chính phủ đã ban hành một loạt quyết sách chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch như Chiến lược vaccine; tiếp cận toàn dân, lấy xã, phường làm pháo đài; điều động lực lượng quân đội, công an vào hỗ trợ các tỉnh phía Nam; từ chính sách “không COVID-19” chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” để vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Tiếp tục vai trò “tuyến đầu,” ngành y tế lại tiếp tục gánh vác trọng trách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong thực hiện mục tiêu mới.
Khi dịch bệnh thâm nhập nhanh, nhiễm sâu tại các đô thị, trong khi chưa có vaccine, thuốc đặc trị, ngành Y tế đã nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện, đưa dịch vụ y tế đến cơ sở để người dân tiếp cận nhanh nhất các biện pháp y tế, thành lập hơn 700 trạm y tế xã lưu động trong thời gian rất ngắn, không để đổ vỡ hệ thống y tế trên cả nước.
Đặc biệt trong tháng 8-9/2021, Việt Nam đã kịp thời điều động hơn 300.000 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng y tế, Quân đội, Công an hỗ trợ các tỉnh tâm dịch phía Nam. Không thể đong đếm hết những khó khăn, những hy sinh vất vả của đội ngũ y tế phải gồng mình vượt qua trong thời gian đó. Có không biết bao nhiêu y bác sỹ tuyến đầu đã cống hiến toàn bộ sức khỏe, trí tuệ, gạt bỏ đi hết những nhu cầu riêng để chiến đấu trong cuộc chiến chung, cứu sống bệnh nhân COVID-19.
Từ người ở các tổ y tế cộng đồng, đội phản ứng nhanh, đến các y bác sỹ trong các bệnh viện dã chiến, hay những người túc trực tại các trung tâm hồi sức, trung tâm điều trị, đều đã đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt, sức lực, tinh thần, thậm chí cả tính mạng mình để hỗ trợ và cứu sống bệnh nhân không may mắc bệnh. Họ đã trở thành những "người thân" duy nhất, sát cánh cùng bệnh nhân trong cuộc chiến với bệnh tật. Họ cũng là những người chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân, sự chia lìa của một gia đình. Tuy nhiên, tất cả những cảm xúc, áp lực đó, họ đều phải gói ghém lại, không cho phép bản thân lơ là gục ngã để giữ vững tinh thần làm việc. Đã có rất nhiều hy sinh được đánh đổi để người dân có lại cuộc sống an lành!
Kỳ tích từ chiến dịch tiêm chủng thần tốc
Chiến đấu với COVID-19, giành lại sự sống cho người bệnh là một cuộc chiến chưa từng có tiền lệ đối với nhân dân nói chung và cả ngành y tế nói riêng. Nhưng không dừng ở các biện pháp đối phó, Đảng và Chính phủ đã xây dựng và quyết liệt triển khai chiến lược vaccine, thành lập Quỹ vacccine, thúc đẩy ngoại giao vaccine, bằng mọi biện pháp có thể để đưa vaccine về nước, phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay, như một biện pháp căn cơ, bền vững để ứng phó với dịch bệnh.
Thời điểm triển khai chiến dịch tiêm chủng với quy mô chưa từng có hồi tháng 9/2021, có những ngày lực lượng y tế tại Hà Nội đã dốc toàn lực ra quân phục vụ tiêm chủng. Có ngày, Hà Nội đã thực hiện tiêm hơn 600.000 mũi vacine phòng COVID-19, có những điểm tiêm chủng diễn ra tới 2, 3 giờ sáng với mục tiêu phủ rộng vacine nhanh nhất, an toàn nhất đến mọi người dân.
Những nỗ lực chung của các cấp, ngành có sự đóng góp vô cùng lớn lao của các cán bộ, nhân viên ngành y và nó đã được đền đáp xứng đáng. Từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp: thời điểm đợt dịch thứ tư bùng phát, ngày 27/4/2021, mới có 320.000 liều vaccine được tiêm, đến nay Việt Nam đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới với gần 192,7 triệu liều đã tiêm.
Tính đến 24/2 vừa qua, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là gần 100%, 2 mũi là 95%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 92%, 2 mũi là 76%. Nhờ đó, số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong giảm rõ rệt, ngay cả khi các ca nhiễm biến chủng Omicron tăng cao trong những ngày sau Tết Nguyên Đán gần đây.
Bà Satoko Otsu, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, những thành quả tiêm chủng của Việt Nam là thực sự ấn tượng. Bà cho rằng, thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch đã chứng minh sự hiệu quả của cách tiếp cận toàn dân, toàn hệ thống chính trị, các biện pháp và ý tưởng sáng tạo trong kiểm soát dịch, công tác truyền thông minh bạch… Những thành tựu đó được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhiều đối tác đã tiếp cận WHO để tìm hiểu về những kinh nghiệm hiệu quả của Việt Nam trước thách thức của đại dịch.
Dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Thực tế đó đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề và sự hy sinh cống hiến của ngành y tế sẽ tiếp tục góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch của cả nước, tạo nên sức lan tỏa, tiếp thêm sức mạnh cho Việt Nam chiến thắng dịch bệnh. Một lần nữa, tất cả chúng ta xin được nói lời tri ân với những người thầy thuốc - những “chiến sỹ áo trắng” bất chấp hiểm nguy để mang lại sức khỏe cho cộng đồng, cho xã hội./.