Y tế vùng cao Sơn Động: Vượt khó chăm sóc sức khỏe nhân dân
Để giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Sơn Động tận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, triển khai nhiều kỹ thuật mới.
Nâng chất lượng khám, chữa bệnh
Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chị Trần Thị Tâm (45 tuổi), trú tại xã Lệ Viễn đến TTYT huyện Sơn Động khám bệnh liên quan đến đường hô hấp. Tại đây, chị được cán bộ Trung tâm hướng dẫn sử dụng thẻ căn cước công dân đăng ký, lựa chọn phòng khám, nội dung khám tại máy đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) tự động. Thực hiện các xét nghiệm, chị không phải chờ nhận kết quả bởi toàn bộ thông tin được cập nhật lên bệnh án điện tử.

Cán bộ TTYT huyện Sơn Động vận hành máy chạy thận nhân tạo.
Tương tự, mỗi lần đến khám, chạy thận nhân tạo, ông Ninh Bình Thượng (SN 1964), cũng ở xã Lệ Viễn không phải xếp sổ, trình thẻ bảo hiểm y tế như trước bởi toàn bộ thông tin cá nhân, lịch chạy thận nhân tạo đã được cập nhật trên bệnh án điện tử. Mỗi lần đến hẹn, ông và những bệnh nhân chạy thận khác lên thẳng khu vực phòng máy để thực hiện quy trình chạy thận. “Tôi phải chạy thận nhân tạo từ năm 2011. Trước đây, mỗi tuần tôi phải nhờ con đưa ra Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để thực hiện kỹ thuật này. Từ khi TTYT huyện triển khai đơn nguyên thận nhân tạo, tôi chủ động đi xe máy và có thêm thời gian nghỉ ngơi sau ca chạy thận”, ông Thượng cho biết.
Là cơ sở y tế ở địa bàn vùng cao, đông đồng bào dân tộc thiểu số, TTYT huyện Sơn Động xác định chỉ có tiếp cận kỹ thuật cao, nâng chất lượng KCB mới giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại ngay từ cơ sở. Từ các nguồn lực, đơn vị đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất từ khu tiếp nhận bệnh nhân đến khu điều trị nội trú. Năm 2024, cùng với đưa vào sử dụng, khai thác khối nhà 6 tầng khang trang, Trung tâm được Sở Y tế phê duyệt bổ sung 56 danh mục kỹ thuật, trong đó có nhiều kỹ thuật mới, vượt tuyến như: Cắt amidan bằng dao điện, tán sỏi tiết niệu bằng laser, nội soi đại trực tràng toàn bộ ống mềm không sinh thiết, cắt tử cung bán phần, bóc u xơ tử cung…
Phát triển kỹ thuật mới, bồi dưỡng nguồn nhân lực
Qua thống kê, năm 2024, số lượt khám bệnh tại TTYT huyện Sơn Động là hơn 84,1 nghìn lượt, bệnh nhân điều trị nội trú hơn 10,4 nghìn lượt, số lượt phẫu thuật 1.241 ca, số lần xét nghiệm gần 257 nghìn. Đặc biệt, nhờ triển khai kỹ thuật mới, chuyên sâu, nhiều ca bệnh khó, phức tạp lần đầu tiên được triển khai ở đơn vị. Mới đây, dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, kíp mổ của TTYT huyện thực hiện thành công 2 ca phẫu thuật cắt amidan bằng công nghệ dao điện. Tháng 6/2024, 3 bệnh nhân đầu tiên cũng được điều trị sỏi thận tại trung tâm bằng máy tán sỏi laser Multipulse HoPlus…
Mặc dù vậy, công tác KCB tại TTYT huyện Sơn Động vẫn còn những khó khăn, thách thức do thiếu nhân lực trình độ cao; tiến độ triển khai bổ sung dịch vụ kỹ thuật trong KCB còn chậm… Khắc phục những hạn chế đó, thời gian tới, TTYT huyện tập trung phát triển các kỹ thuật mới có tính mũi nhọn, chuyên sâu, trong đó ưu tiên phát triển kỹ thuật về tim mạch, ngoại khoa. Về chất lượng nguồn nhân lực, đơn vị đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, viên chức đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Trong giai đoạn này, đơn vị lựa chọn, hỗ trợ đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ lâu dài; tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho 100% viên chức chuyên môn y, dược...
Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết: “Trước mắt, năm nay, UBND huyện tập trung nguồn lực để nâng cấp hệ thống máy tính, đường truyền và các phần mềm để hoàn thiện bệnh án điện tử. Về lâu dài, căn cứ nhu cầu và thực tế tại địa phương, huyện bố trí nguồn lực để đầu tư cải tạo, sửa chữa các khối nhà cũ, bổ sung trang thiết bị mới; đồng thời dành nguồn kinh phí hỗ trợ một phần chi phí đối với cán bộ đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn”.