Ý thức phòng tránh ngộ độc thực phẩm chưa cao
Tràn lan hóa chất cùng với đó ý thức về sử dụng chất phụ gia, chất tẩy trắng trong chế biến thực phẩm đang làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Hám lợi sẵn sàng bán thực phẩm bẩn
Những năm gần đây, thị trường thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng đa dạng về chủng loại, mặt hàng. Bên cạnh những đơn vị làm ăn, kinh doanh có uy tín thì cũng xuất hiện nhiều cơ sở vi sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản không theo đúng quy định, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nhiều mặt hàng thực phẩm đã để lại tồn dư các hóa chất trong thực phẩm, tình trạng sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất bị lạm dụng…
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý..v..v.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng gần 170 vụ ngộc độc thực phẩm với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết.
Chỉ tính giai đoạn 2011 – 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm, làm hơn 4 triệu người mắc bệnh khiến 123 người chết.
Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh ung thư mỗi năm khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới.
Trong đó, có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn.
Cũng theo điều tra của Hiệp hội Ung thư thế giới cũng cho thấy, có 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn và có thể phòng được.
Còn theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 nguyên nhân gây tử vong thì nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh đường ruột đứng thứ 2.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những con số kinh hoàng trên là do việc sử dụng hóa chất một cách bừa bãi từ hành vi người dùng lẫn nhà sản xuất.
Theo thống kê của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho thấy, trong 5 năm (2011-2015), mỗi năm Việt Nam chi gần 0,5 tỷ đô la Mỹ để nhập khẩu về khoảng 100 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật với 4.100 loại thương phẩm khác nhau thuộc 1.643 hoạt chất hóa học để sản xuất thuốc trừ sâu hóa học.
Cùng với đó, nhiều loại hóa chất cấm vẫn được nhập lậu như Phospho hữu cơ, Clo hữu cơ, Wofatox, Monitos, Kelthane… là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay.
Thế nhưng, thống kê số vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm có thể chuyển qua để xử lý hình sự rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Vì muốn áp dụng pháp luật để xử lý loại tội phạm này không dễ.
Bởi, thông thường giá trị thực phẩm bẩn mà cơ quan chức năng bắt quả tang tại cơ sở chế biến thường thấp hơn so với quy định.
Còn việc xác định hậu quả lại rất khó khăn bởi khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm mới có thể phát sinh có hậu quả. Và hậu quả này cũng không biết do thức ăn nào gây ra vì hiện nay nguồn thực phẩm bẩn rất đa dạng, phong phú.
Ngay cả xử phạt hành chính mà lập biên bản xử lý không đúng cũng bị kiện ngay.
Bộ luật Hình sự có nêu rõ điều kiện vi phạm nhưng thực tế khi chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra thì hầu hết đều bị kết luận chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, không chứng minh được thiệt hại của nạn nhân..v..v.
Có thể thấy thực trạng thực phẩm bẩn hiện nay đã tới mức báo động đỏ.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển ngành nông nghiệp mà còn đe dọa sức khỏe của người dân và cả tính mạng của cộng đồng.
Đã đến lúc cần tăng chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, độc hại, kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung.
Bên cạnh đó, phải thay đổi ý thức của người kinh doanh dẫn đến an toàn thực phẩm phục vụ cộng đồng.
Chính vì vậy, việc xử lý hình sự đúng người đúng tội những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ có tính răn đe tốt hơn.
Sát thủ dấu mặt đến từ chất tẩy trắng
Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (nguyên Giảng viên Đại học Bách Khoa, chuyên gia về công nghệ thực phẩm), hiện nay hóa chất tẩy trắng được sử dụng rất nhiều trong những món ăn khoái khẩu.
Dưới tác động của chất tẩy trắng, lòng lợn trở nên trắng sáng, không còn mùi hôi thối, càng ăn nhiều càng làm tăng nguy cơ tích tụ hóa chất trong cơ thể người ăn.
Hóa chất được sử dụng tẩy trắng lòng lợn, giúp lòng lợn vừa trắng lại mất mùi hôi thối chính là dung dịch hydro peroxyd, công thức H2O2 còn gọi là ôxy già.
Bộ Y tế từng đưa ra khuyến cáo dung dịch chỉ được dùng ngoài, không được uống. Khi dùng ôxy già để tẩy trắng lòng lợn sẽ có tác dụng sát khuẩn, làm trắng thực phẩm, đánh bay mùi hôi thối.
Hóa chất tẩy trắng cũng được sử dụng nhiều trong các loại bún, phở mà chúng ta thường thích ăn mỗi sáng.
Trong loại thực phẩm này, thực ra đồ trắng còn tùy theo chất lượng gạo. Nhưng sử dụng chất tẩy trắng sẽ làm chúng trở nên sáng bóng khác lạ. Nhiều tiểu thương hay sử dụng oxalic axit trong việc làm trắng bún.
Ngoài ra, chất tinopal có khả năng phát huỳnh quang, gây ra hiệu ứng tán xạ trên bề mặt sản phẩm, chúng giúp sản phẩm trở nên trắng sáng, bóng bẩy hơn.
Tất nhiên, những chất này không được phép sử dụng trong chế biến và bảo quản thực phẩm.
Bên cạnh đó, măng tươi cũng là thực phẩm hay sử dụng hóa chất. Trong đó, măng nứa trắng có nguy cơ sử dụng chất tẩy trắng cực cao.
Điều này giúp cho từng miếng măng để được lâu theo thời gian, nhìn luôn trắng sáng, tươi mới
Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh, đừng vì suy nghĩ khuất mắt trông coi trong lựa chọn thực phẩm, đồ ăn với tư tưởng bỏ xuôi ý thức bảo vệ sức khỏe.
Thay vào đó, mỗi người hãy là người tiêu dùng thông minh.
Khi chọn mua những sản phẩm có nguy cơ sử dụng chất tẩy trắng như lòng lợn, măng tươi, bún phở… cần chú ý quan sát.
Chỉ chọn mua những thực phẩm không quá bóng bẩy, đảm bảo sạch sẽ. Thực phẩm sáng bóng, lấp lánh tuyệt đối cần phải tránh xa.
Ngoài ra, chỉ nên mua, ăn ở những cửa hàng quen, có uy tín, hạn chế tối đa nguy cơ tiền mất tật mang.