'Ý tưởng khởi nghiệp'- 5 năm, một hành trình: Sức lan tỏa và thu hút
Nhìn lại 5 năm cuộc thi 'Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên (ĐVTN)', phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với chị Phùng Tố Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn; PGS.TS Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức; anh Lê Trọng Quý, Phó Bí thư Huyện đoàn Thọ Xuân.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phùng Tố Linh: Tinh thần khởi nghiệp có sức lan tỏa và thu hút mạnh mẽ với tuổi trẻ
Chị Phùng Tố Linh:
Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã 11 lần tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” trong ĐVTN tỉnh với gần 1.600 ý tưởng tham gia, 110 ý tưởng có chất lượng được trao giải cuộc thi.
Bước ra và thành công từ cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do Tỉnh đoàn tổ chức, đã có 33 sản phẩm của thanh niên được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; doanh nghiệp do thanh niên làm chủ hiện chiếm khoảng 30% trong tổng số 3.000 doanh nghiệp trong tỉnh thành lập mới mỗi năm.
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và cá nhân tôi vui mừng nhận thấy từ những cuộc thi được tổ chức thành công, trong suốt 5 năm qua, tinh thần khởi nghiệp như “làn sóng” có sức lan tỏa và thu hút mạnh mẽ đối với tuổi trẻ trong tỉnh. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo…
PV: Thực tế, nhiều ý tưởng và mô hình thành công sau khi bước ra từ cuộc thi. Bên cạnh đó, nhiều ý tưởng đạt giải nhưng khi bắt tay vào thực tế gặp nhiều khó khăn, thậm chí thất bại. Một cuộc hành trình với quá nhiều thử thách?
Chị Phùng Tố Linh:
Chúng tôi nhận thấy, khi thanh niên khởi nghiệp, ý tưởng nhiều nhưng kinh nghiệm thực tế ít. Đối với các bạn thanh niên ở các huyện miền núi còn thụ động chờ hỗ trợ từ địa phương. Đối với các bạn có ý tưởng khởi nghiệp quy mô thì nguồn vốn lại hạn chế.
Thực tế khảo sát sơ bộ, ĐVTN trên địa bàn tỉnh có đam mê, tinh thần khởi nghiệp rất lớn, nhu cầu về vốn cao. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp còn đầu tư dàn trải, nhỏ giọt… Nguồn vốn ưu đãi có hạn, nhất là nguồn vốn vay không phải thế chấp (vay tín chấp) thấp. Mặt khác, những vướng mắc về thủ tục vay vốn, giải ngân cũng là một trong những “rào cản” đối với các ĐVTN.
Chính vì vậy, để phong trào khởi nghiệp phát triển, lan tỏa mạnh mẽ, đi vào thực chất, chiều sâu, không chỉ là phong trào, không chỉ có số lượng mà còn đi đôi với chất lượng, hướng đến giá trị bền vững, các cấp, các ngành có liên quan cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa đến vấn đề mang tầm quốc gia này.
Một trong những cách làm hay, hiệu quả trong công tác tuyên truyền mà các cấp bộ đoàn trong tỉnh đang triển khai đó là phối hợp tổ chức các diễn đàn đối thoại trực tiếp để giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của thanh niên về chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với thanh niên tiên phong khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong tỉnh chú trọng công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên: Giới thiệu một số mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng và năng suất phù hợp với Việt Nam; hướng dẫn đăng ký thông tin, nộp hồ sơ trên phần mềm OCOP cho các chủ thể… Đây cũng được coi là một cách làm hay đang được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa triển khai hiện nay…
PGS.TS Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức: Đồng hành cùng các ý tưởng trong tìm nguồn tài trợ và khởi nghiệp
PGS.TS Bùi Văn Dũng:
Trường Đại học Hồng Đức hiện có hơn 20 tư vấn, cố vấn khởi nghiệp được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và năng lực tốt, đang sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ĐVTN, học sinh, sinh viên trong tỉnh. Nhà trường đồng thời tạo môi trường hỗ trợ người học khởi nghiệp, kết nối các ý tưởng, dự án của người học với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp...
Hằng năm, Trường Đại học Hồng Đức phối hợp với Tỉnh đoàn làm cố vấn chuyên môn, huấn luyện cho 20 ý tưởng xuất sắc lọt vào chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN tỉnh Thanh Hóa” và tiếp tục đồng hành cùng với các ý tưởng trong tìm nguồn tài trợ và khởi nghiệp. Sau 5 năm, Trường Đại học Hồng Đức đã hỗ trợ cho hơn 100 ý tưởng, trong đó có 1/3 số ý tưởng đã khởi nghiệp thành công. Hiện, nhà trường đang xây dựng Đề án “Thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa”.
Thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang diễn ra khá sôi nổi, tuy nhiên, các hoạt động này mới chủ yếu chỉ là hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh thuần túy, khuyến khích thanh niên tự thân, lập nghiệp, mang tính cá nhân nhỏ lẻ, chưa có định hướng rõ nét và chưa mang màu sắc của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trước thực trạng này, Thanh Hóa rất cần có một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ cho các ý tưởng/dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và thanh niên trong tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh phát triển các hoạt động chuyển giao các đề tài/dự án/ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và thanh niên toàn tỉnh đi vào áp dụng trong thực tiễn.
Phó Bí thư Huyện đoàn Thọ Xuân Lê Trọng Quý: Cần sự kết nối bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ vay vốn
PV: Là 1 trong những đơn vị có nhiều ý tưởng tham gia cuộc thi và liên tục đạt nhiều giải trong các mùa thi. Anh có bất ngờ về điều này?
Anh Lê Trọng Quý: Qua 5 năm triển khai cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN tỉnh Thanh Hóa” với tổng số 11 lần thi, huyện Thọ Xuân đã có gần 700 ý tưởng tham gia cuộc thi. Trong đó có 29 ý tưởng được lựa chọn vào vòng chung kết cấp tỉnh và đều đạt giải.
Ngay từ đầu, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã xác định việc triển khai cuộc thi hiệu quả là một giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy và khuyến khích phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong ĐVTN trên địa bàn huyện.
Huyện đoàn đã phối hợp tốt với các phòng, ngành của huyện để lựa chọn các ý tưởng có tính khả thi cao gửi về ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh và tư vấn, góp ý để các ý tưởng được lựa chọn vào vòng trong xây dựng, hoàn thiện đề án của mình. Bên cạnh đó Ban Thường vụ Huyện đoàn kết nối để các bạn ĐVTN đã tham gia và đạt giải tại cuộc thi trước truyền đạt kinh nghiệm, tư vấn, góp ý, hỗ trợ cho các bạn ĐVTN tham gia các cuộc thi sau. Với những kết quả đã đạt được là hoàn toàn xứng đáng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp bộ đoàn từ huyện đến cơ sở cũng như các bạn ĐVTN trực tiếp có ý tưởng tham gia cuộc thi.
Qua các ý tưởng đã tham gia cuộc thi thì có trên 50% ý tưởng đã được triển khai và thành công trong thực tế; trong đó có nhiều dự án sau khi tham gia cuộc thi đã thành lập doanh nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh doanh và đến nay đã có chỗ đứng trên thị trường. Bên cạnh đó, có một số ý tưởng không thực hiện thành công, chủ yếu là ý tưởng liên quan đến nông nghiệp do lĩnh vực này còn phụ thuộc vào thời tiết, đầu ra cho sản phẩm, giá cả. Do đó, rất cần sự kết nối bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ vay vốn để thực hiện hóa ý tưởng khởi nghiệp.