Ý tưởng mới: Kỹ năng 'đắt' nhất trong CMCN 4.0
Để tận dụng được cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam cần đầu tư vào con người và phát triển các kỹ năng mới, trong đó quan trọng và cần thiết nhất là hình thành những ý tưởng mới.
“Chìa khóa” của dòng vốn FDI
Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam cần đào tạo được những nhân công với kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu việc làm. Vì thế, việc đầu tư vào giáo dục - đào tạo, đặc biệt là các ngành công nghệ khoa học và toán học là “chìa khóa” để thu hút dòng vốn FDI trong kỷ nguyên kỹ thuật số, bởi đây sẽ là những kỹ năng được tìm kiếm trong tương lai.
Ông Chang Hee-lee, Giám đốc văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng: CPTPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại những lợi ích về kinh tế cho Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm. Tuy nhiên, thách thức đối với lao động Việt Nam cũng không nhỏ, nhất là về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề cao và vốn hiểu biết, kiến thức và ứng xử trong môi trường quốc tế.
Bà Marva Corley, chuyên gia ILO, nhấn mạnh thêm rằng, mặc dù trong các điều khoản của hiệp định thương mại không đề cập cụ thể đến kỹ năng của người lao động, nhưng kinh nghiệm từ một số quốc gia cho thấy, việc chuẩn bị cho họ là rất quan trọng để có thể đáp ứng nhu cầu trong các ngành, đặc biệt là trao đổi xuất khẩu giữa các quốc gia.
Nếu nhìn rộng hơn sẽ thấy tầm quan trọng của kỹ năng đối với người lao động. Khi có kỹ năng, họ sẽ tích cực tham gia các hoạt động kinh doanh, sản xuất; đối thoại tốt hơn với chủ sử dụng lao động và sẽ tạo ra các bước tiến bộ cho doanh nghiệp. Những điều này có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, điều kiện làm việc của người lao động và tác động lớn hơn đến toàn xã hội. Đó là lợi ích từ các FTA thế hệ mới và là điểm rất quan trọng mà Việt Nam cần chuẩn bị cho người lao động.
Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế
Điều này thể hiện rõ ở tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn.
Theo báo cáo tại Diễn đàn Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0, tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo tăng dần qua các năm nhưng đến năm 2011 tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 15,4%, năm 2018 đạt 21,9%. Như vậy, cả nước hiện có tới 42,4 triệu lao động, chiếm 78,1% tổng số lao động chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó.
Bên cạnh đó, cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo của Việt Nam còn bất hợp lý, năm 2015 tỷ lệ tương quan giữa trình độ đại học trở lên - cao đẳng - trung cấp - sơ cấp tương ứng là: 1 - 0,35 - 0,63 - 0,38, điều này cảnh báo thực trạng thiếu hụt kỹ sư thực hành và công nhân kỹ thuật bậc cao.
Tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ hoặc không phù hợp giữa công việc và trình độ đào tạo còn khá phổ biến. Một bộ phận lớn người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, người lao động thiếu kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến. Đây chính là những điểm thiếu hụt cần có một chiến lược dài hơi, trong việc tăng cường các kỹ năng cần thiết để sử dụng hiệu quả khả năng của CMCN 4.0.
Chiến lược đào tạo kỹ năng
Phân tích về những tác động của CMCN 4.0, GS Nguyễn Cảnh Toàn cho biết, sự chuyển đổi sang các phương pháp mới để hướng tới sự giàu có, chắc chắn nghĩa là khởi đầu của sự kết thúc cho các lĩnh vực của nền kinh tế và các công ty chưa sẵn sàng cho nó. Kết quả là, mọi người thường phải chịu đựng những thay đổi về sự hình thành, đi kèm với tình trạng thất nghiệp gia tăng, nghèo đói và cô lập.
Tự động hóa và số hóa sản xuất cũng không ngoại lệ. Chúng làm giảm nhu cầu cho công nhân thực hiện các hoạt động sản xuất thường ngày có tính chất lặp lại liên tục. Kết quả là, theo dự báo của Liên Hợp Quốc, có thể nhiều triệu người sẽ không còn việc làm, nhưng chỉ có 2 triệu việc làm mới được tạo ra. Quản trị viên và quản lý sẽ bị sa thải, trong khi thực tế mới sẽ cần các nhà toán học, lập trình viên và kỹ sư.
Người lao động cần phải được trang bị vốn và công nghệ mới để có thể phát huy năng lực. Do đó, đầu tư cho khoa học - công nghệ là chính sách đặc biệt ưu tiên của Chính phủ. Chiến lược đào tạo kỹ năng lao động và đầu tư công nghệ cần bảo đảm tương thích với nhau để đạt hiệu quả tốt nhất.
Theo các chuyên gia quốc tế, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam gia nhập nền công nghiệp 4.0. “Sản xuất tại Việt Nam” cần được thay thế bằng “Nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam”. Điều này có nghĩa Việt Nam không chỉ dựa vào lao động chi phí rẻ, mà còn phải thúc đẩy công nghệ để đổi mới sáng tạo, củng cố nền tảng thể chế, đầu tư vào con người của ngày hôm nay và tương lai.
“Ngày nay, đối với cuộc CMCN 4.0, mọi người đều rất quan trọng, người lao động không chỉ là chuyên nghiệp, có các kỹ năng, khả năng và kiến thức mới, mà còn phải đặt mình ở vị trí chủ động để cải thiện quy trình sản xuất. Đặc biệt ý tưởng mới, được đánh giá cao nhất, đắt nhất” – GS Nguyễn Cảnh Toàn nhấn mạnh.
Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/y-tuong-moi-ky-nang-dat-nhat-trong-cmcn-40-4035067-b.html