Ý tưởng thành lập quỹ đầu tư quốc gia chung Mỹ - Nhật 300 tỷ USD gây chú ý

Theo một nguồn tin của tờ báo Wall Street Journal, Mỹ và Nhật Bản đang thảo luận về khả năng thành lập một quỹ đầu tư quốc gia chung…

Tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son - Ảnh: Reuters

Tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son - Ảnh: Reuters

Quỹ đầu tư chung quốc gia Mỹ - Nhật là ý tưởng của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son, người sáng lập tập đoàn SoftBank, và đã được nêu ra ở các cấp chính trị cao nhất ở cả Washington và Tokyo.

Theo nguồn tin của Wall Street Journal, đây có thể trở thành một hình mẫu cho các chính phủ khác nếu muốn xây dựng mối quan hệ đầu tư thân thiết với Mỹ.

“Kế hoạch này đã được thảo luận trực tiếp giữa ông Son và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, cũng như được trình bày với các quan chức cấp cao khác trong chính phủ ở cả hai nước. Dù vậy, kế hoạch này vẫn chưa phải là một đề xuất chính thức”, nguồn tin tiết lộ.

Những tuần gần đây, ý tưởng quỹ đầu tư chung lại được nhắc tới khi Nhật Bản và Mỹ đang đàm phán về một thỏa thuận thương mại. Tokyo đang muốn chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ ý định đánh thuế đối ứng cũng như ý định tăng thuế quan với ô tô từ Nhật. Trong khi đó, Washington khẳng định sẽ không giảm mức thuế đối ứng xuống thấp hơn mức cơ sở 10%.

Các nhà đàm phán thương mại của Nhật dự kiến sẽ tới Washington vào cuối tháng này để tiến hành vòng đàm phán thứ 4. Theo tờ báo Asahi của Nhật, trong các vòng đàm phán vừa qua, Tokyo đã đề xuất mua nhiều tỷ USD sản phẩm bán dẫn của Mỹ. Chính phủ Nhật dự kiến có chính sách hỗ trợ đối với các công ty trong nước mua con chip từ các doanh nghiệp Mỹ như Nvidia. Theo đó, tổng kim ngạch nhập khẩu con chip Mỹ của Nhật có thể lên tới 1 nghìn tỷ yên (tương đương 6,94 tỷ USD), nhằm giảm một phần trong gần 10 nghìn tỷ yên thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật.

Chia sẻ với truyền thông sau cuộc điện đàm giữa ông Trump vào thứ Sáu tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết ông kỳ vọng cuộc gặp dự kiến giữa hai nhà lãnh đạo bên lề hội nghị thượng đỉnh của nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) tại Canada vào giữa tháng 6 tới sẽ là “cột mốc” quan trọng của tiến trình đàm phán.

Trở lại với quỹ đầu tư chung, theo nguồn tin của Wall Street Journal, Bộ Tài chính Mỹ và Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ đồng sở hữu và vận hành quỹ. Mỗi bên sẽ nắm cổ phần lớn. Các nhà đầu tư bình thường của Mỹ và Nhật Bản cũng có cơ hội sở hữu một số lượng giới hạn cổ phần của quỹ này.

“Tham vọng đầu tư của quỹ này sẽ rất lớn với số vốn ban đầu có thể là 300 tỷ USD, sau đó sẽ huy động vốn mạnh”, một nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận tiết lộ. “Quỹ này có thể mang về nguồn thu lớn cho cả hai chính phủ”.

Theo nguồn tin, về lý thuyết, Bộ tài chính Mỹ đang tìm kiếm các nguồn thu khác ngoài việc tăng thuế và quỹ đầu tư chung này có thể mang lại điều đó. Việc đưa ra ý tưởng về quỹ này là một bước đột phá so với các chiến lược trước đây.

Chính phủ Mỹ hoặc chính quyền các bang thường đưa ra ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư trực tiếp lớn xây dựng nhà máy hoặc dự án hạ tầng tại Mỹ. Do đó, kỳ vọng đằng sau ý tưởng quỹ đầu tư chung là nhà chức trách có thể thu thuế gián tiếp ở mức độ nào đó. Tuy nhiên, các khoản đầu tư do quỹ chung thực hiện dự kiến cũng sẽ mang về lợi nhuận trực tiếp theo tỷ lệ góp vốn ban đầu.

Tỷ phú Son có mối quan hệ thân cận với ông Trump và từng tới khu nghỉ dưỡng ở Mar-a-Lago của ông Trump vào tháng 12 năm ngoái – không lâu sau khi vị tổng thống tái đắc cử. Theo nguồn tin của Wall Street Journal, tỷ phú Nhật là nhân vật trung tâm của đề xuất quỹ đầu tư quốc gia chung và có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong các quyết định đầu tư của quỹ sau này.

Sau khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1, ông Son cũng xuất hiện tại Nhà Trắng và công bố kế hoạch đầu tư Stargate trị giá 500 tỷ USD xây dựng các trung tâm dữ liệu và hạ tầng trí tuệ nhân tạo tại Mỹ. Đây là dự án hợp tác giứa SoftBank và hai công ty Mỹ là OpenAI và Oracle.

Đức Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/y-tuong-thanh-lap-quy-dau-tu-quoc-gia-chung-my-nhat-300-ty-usd-gay-chu-y.htm