Y14 - Trạm xá thời chiến và những bí mật giữa rừng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trạm xá Y14 (tại xã Sơn Xuân, Sơn Hòa, Phú Yên) là nơi ghi dấu sự anh dũng và những cống hiến thầm lặng của nhiều thầy thuốc vì bệnh nhân và các thương bệnh binh.

Trạm xá ghi dấu sự quả cảm của thầy thuốc

Để thuận lợi và giữ bí mật trong quá trình hoạt động cách mạng, năm 1964, Trạm xá Y14 Sơn Hòa được thành lập do y tá Huỳnh Thị Nguyệt Thanh và y tá Lê Xuân Diệp phụ trách. Sau đó, y tá Lê Xuân Diệp được cử đi học, y sĩ Huỳnh Xuân Hiển phụ trách.

Trong suốt những năm kháng chiến, cuộc sống, điều kiện sinh hoạt của cán bộ, nhân viên trạm xá vô cùng kham khổ. Những người thầy thuốc thời chiến không chỉ làm công tác chuyên môn mà còn phải chặt cây, cắt tranh làm nhà, làm giường, chõng, băng ca, ghế, bàn…

Bên cạnh đó còn tăng gia sản xuất, vỡ vạc đất trồng lúa, thực hiện phương châm "đi không dấu, nấu không khói, nói không to, ho không ra tiếng" để tránh sự chú ý và phát hiện của kẻ địch.

Nhớ về những năm tháng gian khổ, y sĩ Nguyễn Văn Tòng - Nguyên Trưởng phòng Y tế huyện Sơn Hòa, người có hơn 44 năm công tác lĩnh vực y tế và từng làm thầy thuốc tại Trạm xá Y14 xúc động chia sẻ: "Trạm xá Y14 ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, mỗi thầy thuốc đều xác định tinh thần như một chiến sĩ thực thụ ngoài chiến trường. Khi đó, cơ sở y tế còn rất ít, Trạm xá Y14 được chọn là cơ sở quan trọng để phục vụ cách mạng nên được đưa vào sâu trong vùng căn cứ của ta, địa thế hiểm trở, ghềnh đá cheo leo. Sở dĩ phải chọn nơi như vậy để địch không thể phát hiện được".

Trạm xá Y14 đã ghi dấu những cống hiến của nhiều thầy thuốc thời chiến

Trạm xá Y14 đã ghi dấu những cống hiến của nhiều thầy thuốc thời chiến

Trạm xá Y14 là nơi cấp cứu thương bệnh binh từ các Trạm xá Y12 (Tuy Hòa), Y13 (Tuy An) chuyển đến, nếu bệnh nào nặng thì tiếp tục chuyển về Bệnh xá Trúc Bạch tiếp tục điều trị.

Thời chiến, Trạm xá Y14 nằm giữa rừng sâu

Thời chiến, Trạm xá Y14 nằm giữa rừng sâu

Theo y sĩ Nguyễn Văn Tòng, trong điều kiện thời chiến, Trạm xá Y14 chỉ là một khu gồm nhiều phiến đá lớn tựa vào nhau tạo nên những chiếc hang, một số buồng điều trị được tạo nên bằng cách đào sâu xuống đất 1,5 m, phía trên thì che bằng những tấm ni - lon của các chiến sĩ và phủ lớp lá cây ngụy trang.

Dù thiếu thốn trăm bề nhưng thầy thuốc của Trạm xá Y14 luôn chăm sóc các thương binh, đồng bào trúng đạn tận tình, chu đáo.

"Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng

Nhớ về những năm tháng gian khổ, y sĩ Nguyễn Văn Tòng khẳng định: "Thời đó, chúng tôi đều đồng lòng quyết tâm dù có phải hy sinh cũng không bao giờ nản chí, vì càng chữa bệnh, cấp cứu trong điều kiện chiến tranh càng thương, cảm phục bộ đội và nhân dân ta. Có đợt, dầu nóng, thuốc sát trùng của Trạm xá Y14 có hạn nên phải dùng thêm các loại thuốc nam, thảo dược sẵn có trong rừng. Thậm chí, mấy hộ lý trẻ còn phải giặt từng mảnh băng, miếng gạc đã dùng rồi, sau đó sấy bằng lửa than hoặc hấp vô trùng vì trong rừng sâu không có ánh nắng để phơi. Những ca cấp cứu nguy hiểm phải chuyển lên tuyến trên thì thầy thuốc cõng luôn bệnh nhân trèo đèo, vượt suối".

Hiện nay, Trạm xá Y14 trở thành "địa chỉ đỏ" cho các thế hệ trẻ tìm về trong những chuyến về nguồn

Hiện nay, Trạm xá Y14 trở thành "địa chỉ đỏ" cho các thế hệ trẻ tìm về trong những chuyến về nguồn

Sau ngày giải phóng đất nước, Trạm xá Y14 trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Các thầy thuốc ở Trạm xá Y14 đã tô thắm thêm trang sử vẻ vang của ngành y trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Bác sĩ Đào Phi Long - Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Sơn Hòa cho biết: "Hiện nay, hàng năm các đoàn thầy thuốc trẻ vẫn về Trạm xá Y14 để tham quan, từ những chuyến về nguồn ấy, y bác sĩ hiện nay thấu hiểu hơn truyền thống yêu nước của các thế hệ cha, anh. Ai cũng cảm nhận rõ được các nhân viên Trạm xá Y14 thời chiến đã hy sinh cả tuổi trẻ, hạnh phúc riêng tư để phục vụ công tác cứu chữa cho nhân dân và chiến sĩ cách mạng".

Bá Nha

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/y14-tram-xa-thoi-chien-va-nhung-bi-mat-giua-rung-169230430143407148.htm