Yemen sau cuộc đột kích của Mỹ-Anh: Chính phủ ra tuyên bố, Washington không muốn xung đột, Nga yêu cầu HĐBA họp khẩn

Ngày 12/1, Reuters dẫn lời Trung tướng Mỹ Douglas Sims cho biết, nước này và Vương quốc Anh đã tấn công hơn 150 quả đạn nhằm vào gần 30 địa điểm của Houthi ở Yemen chỉ trong một đêm 11/1.

Hình ảnh chụp từ video cho thấy nhiều vụ nổ ở Sanaa, Yemen đêm 11/1. (Nguồn: Sputnik)

Hình ảnh chụp từ video cho thấy nhiều vụ nổ ở Sanaa, Yemen đêm 11/1. (Nguồn: Sputnik)

Trung tướng Douglas Sims nói với các phóng viên rằng, ông không mong đợi số thương vong cao từ các cuộc tấn công hôm 11/1 vì các mục tiêu bao gồm cả ở những khu vực nông thôn.

Trong khi đó, Nhà Trắng khẳng định, Mỹ không muốn bất kỳ cuộc xung đột nào với Yemen và "mọi việc mà Tổng thống đang làm đều nhằm cố gắng ngăn chặn bất kỳ sự leo thang xung đột nào, bao gồm cả các cuộc tấn công đêm qua”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố nước này sẽ thực hiện các cuộc tấn công mới nhằm vào phiến quân Houthi ở Yemen nếu lực lượng này tiếp tục tấn công các tàu ở Biển Đỏ.

Về phía Anh, theo Bộ trưởng lực lượng vũ trang nước này James Heappey, London hiện chưa có kế hoạch thực hiện sứ mệnh tấn công tiếp theo, lưu ý rằng hành động đêm 11/1 là "phản ứng hạn chế, tương xứng và cần thiết".

Phản ứng trước vụ việc, chính phủ được quốc tế công nhận tại Yemen nói rằng, các cuộc không kích của Mỹ và Anh là phản ứng trước việc lực lượng Houthi liên tục tấn công tuyến đường vận tải quốc tế trên Biển Đỏ.

Theo chính phủ Yemen, lực lượng Houthi phải chịu trách nhiệm trong việc kéo quốc gia Trung Đông này vào một cuộc đối đầu quân sự.

Tuy nhiên, phong trào Houthi, lực lượng đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ Yemen, tuyên bố sẽ nhắm mục tiêu vào tất cả các tàu hướng tới Israel trên Biển Đỏ nhằm đáp trả cuộc tấn công của Mỹ-Anh.

Trước diễn biến leo thang căng thẳng bất ngờ ở Trung Đông, quốc tế có những phản ứng trái chiều.

Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen khẳng định, nước này hoàn toàn ủng hộ cuộc tấn công mà Mỹ và Anh phát động nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen.

Trong khi đó, theo Bộ Ngoại giao Pháp,với những hành động vũ trang gây ra trên Biển Đỏ, lực lượng Houthi phải chịu trách nhiệm thực sự về sự leo thang trong khu vực”.

Về phía Iran, đất nước được cho là hậu thuẫn Yemen, trang Nournews dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Nasser Kanaani "cực lực" lên án cuộc tấn công, coi đây là hành vi "vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Yemen, cũng như vi phạm luật pháp, quy định và quyền quốc tế”.

Trung Quốc và Saudi Arbia đồng loạt kêu gọi các bên trong vụ việc kiềm chế để ngăn chặn nguy cơ nổ ra xung đột tại Yemen.

Cả hai nước đều ra tuyên bố “nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ duy trì an ninh và ổn định ở Biển Đỏ", một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới.

Cũng trong ngày 12/1, phái bộ ngoại giao Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, Moscow đã đề xuất triệu tập một cuộc họp khẩn Hội đồng Bảo an (HĐBA) liên quan vụ việc.

Về phía LHQ, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, cho biết, ông Guterres kêu gọi tất cả các bên không làm tình hình bất ổn ở Biển Đỏ leo thang hơn nữa vì hòa bình và ổn định ở Biển Đỏ và trong khu vực.

Thông tin của các công ty phân tích dữ liệu LSEG và Kpler cho thấy, một số tàu chở dầu đã chuyển hướng khỏi Biển Đỏ sau các cuộc không kích của Mỹ và Anh nhằm vào các cơ sở của Houthi ở Yemen, trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về sự leo thang của cuộc chiến Israel-Hamas.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/yemen-sau-cuoc-dot-kich-cua-my-anh-chinh-phu-ra-tuyen-bo-washington-khong-muon-xung-dot-nga-yeu-cau-hdba-hop-khan-257230.html