Yên Bái: Cây thanh long ruột đỏ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, một số vùng đất ven hồ Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái phát triển cây thanh long ruột đỏ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận cho tập thể Hội Nông dân huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái nhãn hiệu bảo hộ cho sản phẩm cây ăn quả thanh long ruột đỏ với số đăng ký 539728 tại quyết định số 52790/QĐ-SHTT ngày 18/4/2025 và có hiệu lực trong vòng 10 năm.

Người dân ven hồ Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái trồng cây thanh long ruột đỏ mang lại giá trị kinh tế cao.
Trong danh sách các thành viên được sử dụng nhãn hiệu tập thể thanh long ruột đỏ Yên Bình gồm có hơn 100 hộ gia đình tại các xã Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Mỹ Gia, Cảm Nhân… thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Với niềm vui mừng khôn siết và tự hào khi thành quả của người nông dân trồng thanh long ruột đỏ được đăng ký nhãn hiệu bảo hộ, từ đây sản phẩm thanh long ruột đỏ có thể được đưa ra các thị trường khắt khe hơn, yêu cầu chất lượng cao hơn.

Toàn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái có khoảng 100 ha cây thanh long ruột đỏ mang lại kinh tế bền vững cho người dân.
Chia sẻ với phóng viên, bà Nông Thị Bích Thư (thôn Đồng Tâm, xã Mỹ Gia, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) phấn khởi chia sẻ: “Khi nhận được thông tin được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, tôi vui mừng lắm. Bất ngờ khi có được chứng nhận này. Gia đình tôi trồng cây thanh long ruột đỏ 10 năm nay đã mang lại được hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Cây thanh long ruột đỏ so với các loại cây khác như ngô, lúa, khoai, sắn có giá trị cao hơn”.
Bà Thư kể, Trồng thanh long ruột đỏ dễ chăm sóc hơn các loại cây trồng khác, trong khi hiệu quả cao. Nhà tôi có khoảng 700 trụ, mỗi năm thu hoạch từ tháng 5 đến hết tháng 11, mỗi tháng được 2 lần cắt. Tôi đầu tư ban đầu hết khoảng 100 triệu đồng, chỉ sau 1 năm trồng cây thanh long ruột đỏ là đã thu hồi được vốn rồi. Ở thời điểm trước, giá mỗi kg thanh long ruột đỏ có giá từ 20 - 25 nghìn đồng, vào chính vụ thì có giá thấp hơn, chỉ khoảng 15 nghìn đồng”.
Khách hàng ăn thanh long ruột đỏ thích lắm, bây giờ chưa có quả nhưng khách quen đã đạt hàng trước rồi. Đầu ra của loại quả này thì có đến đâu là hết đến đó. Nhiều người ở Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nội gọi lên lấy hàng đều mà chưa có quả để bán.

Cây thanh long ruột đỏ huyện Yên Bình được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm.
Chị Hà Kim Thúy, thôn Đồng Tâm, xã Mỹ Gia đưa chúng tôi đến vườn thanh long ruột đỏ của gia đình. Chị kể, gia đình tôi thấy mọi người trong thôn trồng nên cũng trồng theo, đầu tư hẳn 500 trụ và tường rào kiên cố. Chỉ sau hơn 1 năm cũng đã kéo được vốn rồi.
Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Gia - ông Lân Hoàng Huy cho biết: “Từ năm 2015, cây thanh long ruột đỏ được một số hộ dân trồng thử nghiệm đã thấy phát triển rất tốt. Chính vì vậy, từ năm 2016, UBND xã Mỹ Gia đã vận động bà con Nhân Dân trồng cây thanh long ruột đỏ và đến nay có đến 44 hộ gia đình trồng với tổng diện tích 8.950 m2 gần 900 trụ cây thanh long ruột đỏ mang lại giá trị kinh tế cao”.
Thời gian qua, Đảng ủy, HĐND và UBND xã Mỹ Gia đã đưa phát triển cây thanh long ruột đỏ vào Nghị quyết nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân và sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động bà con tiếp tục nâng cao chất lượng và quy mô diện tích khoảng 5 ha/năm cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn.

Chỉ sau một năm đầu tư trụ cây thanh long ruột đỏ, gia đình chị Thúy, xã Mỹ Gia, huyện Yên Bình đã thu hồi được vốn.
Việc bảo hộ nhãn hiệu cây thanh long ruột đỏ huyện Yên Bình trở thành công cụ hữu hiệu cho sự phát triển thương hiệu, qua đó thúc đẩy chuyên canh trồng và chế biến thanh long ruột đỏ trên địa bàn. Hiện trên địa bàn huyện Yên Bình có khoảng 100 ha diện tích cây thanh long ruột đỏ chủ yếu ở các xã Cảm Nhân, Mỹ Gia, Vũ Linh, Bạch Hà, Yên Bình, Vĩnh Kiên, Đại Đồng, Tân Hương, Cẩm Ân, Mông Sơn, Bảo Ái, Tân Nguyên.