Yên Bái chú trọng quản lý nhà nước về thương mại điện tử

Thời gian vừa qua, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế. Tại Yên Bái, TMĐT ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được nhiều doanh nghiệp và người dân biết đến. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường TMĐT phát triển nhanh chóng và bùng nổ, đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý nhà nước.

Nhân viên Bưu điện tỉnh hướng dẫn người dân mua hàng online qua sàn TMĐT Postmart.

Nhân viên Bưu điện tỉnh hướng dẫn người dân mua hàng online qua sàn TMĐT Postmart.

Theo đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 10/4/2024 về triển khai thực hiện Quyết định số 319/QĐ-TTg về thực hiện Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2025 và Văn bản số 2210/UBND-CN ngày 26/6/2024 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 56/CĐ-TTg ngày 6/6/2024.

UBND tỉnh đã ban hành đầy đủ các kế hoạch và văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số; thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế số, TMĐT bao gồm truyền thông, nâng cao nhận thức, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo và xây dựng mô hình.

Nhờ đó, trong năm 2024, tỉnh đã đạt được một số kết quả khả quan trong chỉ tiêu phát triển kinh tế số. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt gần 15%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ ước đạt 11%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 70%. Sự phát triển nhanh chóng của loại hình TMĐT cũng đã giúp người dân trong tỉnh nhanh chóng thích nghi.

Chị Hoài Thu ở phường Hồng Hà thành phố Yên Bái chia sẻ: "Tôi chỉ tin tưởng mua hàng trên các sàn giao dịch điện tử vì các sàn này có sự quản lý của cơ quan nhà nước nên yên tâm hơn”.

Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu lực hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 56/CĐ-TTg ngày 6/6/2024, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý TMĐT.

Ông Trịnh Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Sở tiếp tục phối hợp với cơ quan thuế và các đơn vị liên quan trong việc phát hiện và xử lý vi phạm về hoạt động TMĐT theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT và trên nền tảng số, bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng”.

Cùng với đó, tăng cường công tác cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng cách thức mua hàng qua TMĐT; phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT; chủ trì, phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp triển khai các chương trình, đề án ứng dụng TMĐT nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Bà Phạm Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: "Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp công nghệ nhằm tăng cường giám sát, quản lý các giao dịch trên môi trường trực tuyến, chống các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc cung cấp thông tin, quản lý người dùng mạng xã hội có hoạt động TMĐT”.

Cùng với đó, ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động livestream bán hàng, trường hợp phát hiện các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển cơ quan chức năng để xử lý theo quy định. Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát thị trường, việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT và trên nền tảng số.

Để tránh gặp phải những trường hợp không muốn khi mua hàng online, người tiêu dùng cũng nên lựa chọn những sàn TMĐT uy tín, có cam kết cung cấp hàng hóa chính hãng, có chính sách đổi trả, bảo hành rõ ràng. Đồng thời, cần hiểu rõ và có thỏa thuận theo yêu cầu của mình trước khi đặt hàng. Nếu có vấn đề trong khi giao dịch ảnh hưởng đến quyền lợi cần có ý kiến, liên hệ phản ánh đến các cơ quan chức năng như: Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh để được hỗ trợ, giải quyết.

Hồng Duyên

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/266/348395/yen-bai-chu-trong-quan-ly-nha-nuoc-ve-thuong-mai-dien-tu.aspx