Yên Bái: Chuyện những 'phu đường'

Tôi gọi họ - những công nhân của Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I - Yên Bái là những 'phu đường'. Tháng 8 vừa qua - những ngày huyện vùng cao Mù Cang Chải bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, nhất là mưa lớn, sạt lở đường, gây ách tắc tuyến lộ 32 trong nhiều ngày; họ là những người đầu tiên có mặt để khắc phục sự cố.

Công nhân Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I - Yên Bái nỗ lực san lấp mặt đường bị trận lũ ngày 5/8 cuốn trôi hoàn toàn tại Km 326+250, quốc lộ 32 đoạn qua huyện Mù Cang Chải.

Công nhân Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I - Yên Bái nỗ lực san lấp mặt đường bị trận lũ ngày 5/8 cuốn trôi hoàn toàn tại Km 326+250, quốc lộ 32 đoạn qua huyện Mù Cang Chải.

Nghề "phu đường”

Trận mưa lũ đêm ngày 5/8 đã làm nhiều tuyến giao thông trên địa bàn huyện Mù Cang Chải bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có tuyến quốc lộ 32. Mưa lớn gây lũ ống, lũ quét làm sạt lở nhiều vị trí taluy dương và taluy âm; nhiều đoạn mất toàn bộ nền mặt đường, bị ách tắc giao thông trong nhiều ngày. Quốc lộ 32 đoạn qua huyện Mù Cang Chải đi huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) mất toàn bộ nền mặt đường 2 vị trí với chiều dài 70- 100m. Các vị trí xói lở taluy âm nền mặt đường có chiều dài 390m. Tổng khối lượng sạt lở taluy dương khoảng 47.100m3 với gần 100 vị trí. Chiều dài hộ lan hư hỏng khoảng 2.500m.

Thông tin về thiệt hại do mưa lũ đối với các tuyến giao thông nhanh chóng được chuyển đến lãnh đạo Công ty. Trực tiếp ông Bùi Quốc Hương - Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I - Yên Bái đã có mặt tại hiện trường để chỉ huy khắc phục sự cố. Công ty đã huy động 14 máy xúc các loại, 5 ô tô bố trí khắc phục thông tuyến quốc lộ 32 bước 1 với 3 mũi thi công.

Mũi 1 thi công hót sạch bùn, đất, đá, cây trôi, khơi rãnh dọc từ thị trấn huyện Mù Cang Chải đến Km326+200. Mũi 2 thông nền cho xe ô tô đi qua vị trí sạt taluy âm tại Km 325+450 để vận chuyển vật liệu vào vị trí K326+200, đảm bảo ô tô dưới 3,5 tấn đi được đồng thời làm kè đá + bao tải đất hướng dòng ra khỏi nền đường đoạn K326+350, dọn tạm đất đá trên đường để các lực lượng có thể di chuyển vào đến Trạm Y tế xã Hồ Bốn. Mũi 3 từ Than Uyên (Lai Châu) sang đảm bảo ngày 9/8 thông đường đến K326+200, trong ngày 10/8 thông tuyến quốc lộ 32.

Những ngày đầu sau lũ quét, ở Mù Cang Chải có mưa to, nguy cơ tiếp tục xảy ra các điểm sạt lở trên tuyến, gây khó khăn cho việc khắc phục sự cố song các anh em vẫn dầm mình dưới cơn mưa nặng hạt miệt mài với quyết tâm thông đường sớm nhất. Hết mưa, trời vùng cao lại nắng như đổ lửa. Chiếc mũ công nhân chỉ che được một phần nắng, mồ hôi túa ra như tắm, Giàng A Tòng lấy chiếc khăn mặt vắt ngang vai lau vội mồ hôi trên mặt rồi lại tiếp tục công việc. Tòng bảo: "Công việc vất vả quen rồi, nắng mưa cũng chịu được, chỉ mong sớm thông đường cho bà con đi lại để việc khắc phục hậu quả thiên tai được nhanh hơn”.

Không chỉ khi sự cố này mà trong mọi mùa mưa bão, Tòng luôn có mặt trên các cung đường để tuần tra, nắm tình hình về các điểm sạt lở. Km 282 đến Km 287 là 6 km mà anh chịu trách nhiệm chính để kiểm tra, bảo vệ kết cấu mặt đường. "Thời tiết ở vùng cao mưa nắng thất thường thực sự là một thử thách đối với những "phu đường" như chúng tôi”, Tòng chia sẻ.

Nói về công việc của mình trên những cung đường của tuyến quốc lộ 32, công nhân Mùa A Trù bộc bạch: "Nghề chúng tôi vất vả lắm, nhất là duy tu trên tuyến quốc lộ 32. Dù có mưa lớn song anh em vẫn có mặt sớm nhất tại các điểm sạt lở, khắc phục sự cố”.

Trù kể: "Cách đây 6 năm, ngày 2/8/2017, trong khi đi kiểm tra đường do gặp mưa to bất ngờ khiến điện thoại của tôi bị hỏng, không thể liên lạc được với gia đình. Một ngày sau (ngày 3/8), Mù Cang Chải xảy ra lũ ống, lũ quét gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân nên mọi người rất lo lắng đổ xô đi tìm, tưởng tôi có mệnh hệ gì. Đến khi gặp được, tôi cũng chỉ dành được ít thời gian bên gia đình rồi lại tiếp tục làm việc để khắc phục các vị trí sạt lở, đảm bảo giao thông được thông suốt".

"Ăn suất cơm hộp nhớ mâm cơm nhà”

Ông Đỗ Nhân Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Yên Bái trực tiếp có mặt để chỉ đạo khắc phục sự cố do thiên tai ngày 5/8 trên tuyến quốc lộ 32. Ông Nghĩa cùng 100 cán bộ, công nhân, kỹ sư Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I - Yên Bái dầm mình dưới cơn mưa tầm tã để chỉ đạo, thi công, đào, hót san gạt. Mưa rơi nặng hạt, nước chảy ầm ầm một màu đỏ quạch nhưng không làm nhụt ý chí kiên cường của những kỹ sư, công nhân lái máy xúc lật, máy xúc và ô tô phục vụ thi công.

Chia sẻ với anh em, ông Nghĩa động viên mọi người cùng nhau cố gắng để thông đường trong thời gian sớm nhất. Anh Lý A Hờ - công nhân lái máy xúc cho biết: "Nguy hiểm luôn rình rập chúng tôi, nhất là trong những ngày mưa bão. Chúng tôi luôn cố gắng làm việc hết mình, không kể thời gian để sớm khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra”.

Lãnh đạo, công nhân Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I - Yên Bái trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục trên tuyến quốc lộ 32

Lãnh đạo, công nhân Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I - Yên Bái trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục trên tuyến quốc lộ 32

Rời lý trình Km324+800, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến Km 326+250 và Km 326+450 (quốc lộ 32). Đây là vị trí mặt đường bị lũ cuốn trôi hoàn toàn.

Đứng bên các mỏm đá, Giám đốc Bùi Quốc Hương - Công ty Cổ phần Xây dựng đường bộ I - Yên Bái liên tục chỉ đạo đổ đá xuống dòng suối Nậm Kim tại vị trí sạt lở để khắc phục sự cố, nối tuyến đường bị chia cắt. Ông Hương chia sẻ: "Với nỗ lực cao nhất, Công ty đã thông toàn tuyến quốc lộ 32 vào ngày 10/8. Công ty đã huy động hầu hết máy móc, phương tiện cùng 100 nhân công ngày đêm khắc phục sạt lở. Trên 1.000 rọ đá đã được chuyển đến để kè các điểm sạt lở tại Km 326+250 và Km326+450, Km326+650. Mưa lớn cũng khiến đất đá từ trên đồi cao bở nhão, sạt xuống vùi lấp các điểm mới phát sinh”.

Khi mặt trời đứng bóng cũng là lúc anh em công nhân nghỉ ngơi để ăn trưa. Những suất cơm hộp được Công ty đặt sẵn tại một quán ăn trên địa bàn, cách vi trí thi công chừng 12 km. Những chiếc rọ đá hay những tảng đá lớn được sử dụng làm chiếc bàn ăn. Họ đã quá quen với cả việc ăn uống như thế này trên công trường.

Công nhân Vũ Minh Hoàng ăn vội suất cơm của mình để dành thời gian ít ỏi tranh thủ chợp mắt cho lại sức. Hoàng nhớ năm 2005, cũng trên tuyến quốc lộ 32 đã xảy ra mưa lớn gây sạt lở tại Km 265 trên đỉnh đèo Khau Phạ, mưa lớn gây sạt lở ta luy dương khoảng 3 vạn mét khối đất đá. Hoàng và anh em trong đơn vị phải thi công liên tục 12 tiếng/ngày để sau một tuần mới thông tuyến. Quán ăn cách xa, Hoàng được cử ra nấu bữa cơm trưa cho mọi người. Đến bữa ăn, cơn gió xoáy bất ngờ mang theo cả đất cát bay vào nồi thức ăn song không dám đổ đi, đành gạt chỗ đất, cát dính vào thức ăn để ăn cho qua bữa, lấy sức làm chiều cho kịp thông đường.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề là cũng ngần ấy thời gian, Hoàng gắn liền với lũ bão, sạt lở đường. "Đã chọn nghề nên phải quyết tâm theo, dù khó khăn đến mấy. Có lúc mưa bão sạt đường nhiều, mình đi mấy tuần mới về. Xa vợ con, nhớ quá thì mang điện thoại có ảnh vợ, con ra xem vì nhiều chỗ không có sóng để gọi về nghe tiếng vợ, tiếng con”. Nói xong, tôi thấy khóe mắt Hoàng đỏ hoe.

Sau vài phút nghỉ ngời, anh em công nhân tiếp tục trở lại với công việc mang đá, đắp đất, gạt đường để nối những cung đường, mang niềm vui đến với bản làng. Ngày cung đường này hoàn thành cũng là lúc chúng tôi lại chuyển đi những cung đường khác. Trời xứ Mù Cang Chải mưa nắng thất thường, nắng lên to rồi lại mưa như trút nước, khiến công việc của họ càng thêm vất vả.

Hơn 3 tháng sau trận lũ quét, Mù Cang Chải đã hồi sinh trở lại, trong đó có mồ hôi, công sức của những người "phu đường". Tôi lại nhớ tới 4 câu thơ trong bài thơ Phu đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Phu đường vất vả lắm ai ơi/ Dãi nắng dầm mưa suốt cả ngày/ Ngựa xe hành khách thường qua lại/ Biết cảm ơn anh được mấy người” . Họ - những người phu đường vẫn kiên cường bám trụ mặt đường và nở nụ cười thật tươi khi hoàn thành công việc. Bởi, chính họ đã chọn nghề "gian khổ”, "nghề ăn suất cơm hộp nhớ mâm cơm nhà" và tự hào về những gì mà mình đã chọn.

Mạnh Hà

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/303969/yen-bai-chuyen-nhung-phu-duong.aspx