Yên Bái đã làm thế nào để nâng chỉ số hạnh phúc của người dân?

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Yên Bái đã lựa chọn triết lý phát triển nhanh, bền vững theo hướng 'xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc'; đồng thời xác định 'xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân' là nhiệm vụ trọng tâm, giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển của tỉnh.

Bắt đầu từ thể chế, chính sách, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Yên Bái đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh bằng việc ban hành 177 nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch, chính sách, bảo đảm toàn diện, phủ kín trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tỉnh luôn đặt ra mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, giữa kinh tế và môi trường, giữa vùng thấp và vùng cao, giữa nông thôn và thành thị; giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái.

Đến năm 2022, Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái là 62,57%, ở mức 2 (mức Khá hạnh phúc)

Đến năm 2022, Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái là 62,57%, ở mức 2 (mức Khá hạnh phúc)

Với quan điểm không cầu toàn, bằng cách làm chắc chắn, thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hằng năm, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân với các nhiệm vụ hết sức cụ thể, trong đó có những nội dung thực hiện theo tinh thần “giao chỉ tiêu, khoán sản phẩm” và “đặt hàng”; phân công cụ thể cho từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị của tỉnh...

Ông An Hoàng Linh, Bí thư Huyện ủy Yên Bình cho biết: Theo chỉ đạo, hướng dẫn của Tỉnh ủy, hằng năm, Đảng bộ huyện đều xây dựng kế hoạch lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị với mục tiêu, chỉ tiêu cao hơn năm trước, “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”, “cá thế hóa trách nhiệm cá nhân” với phương châm nhất quán “không có gì là không thể, phải quyết tâm tìm cách để làm”.

Ông An Hoàng Linh cho biết: "Phát huy vai trò gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, gần dân, sát dân, kịp thời nắm bắt và giải quyết các kiến nghị chính đáng của nhân dân, góp phần củng cố niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân đối với hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp."

Ông An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy Yên Bình dành nhiều thời gian cho các Ngày cuối tuần cùng dân trên địa bàn.

Ông An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy Yên Bình dành nhiều thời gian cho các Ngày cuối tuần cùng dân trên địa bàn.

Nâng cao chỉ số hạnh phúc người dân được tỉnh Yên Bái xác định chính là việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sự hài lòng của người dân về cuộc sống, về môi trường sống và tuổi thọ trung bình (đây là 3 tiêu chí của chỉ số hạnh phúc) với 36 chỉ tiêu thành phần như: điều kiện kinh tế vật chất; mối quan hệ trong gia đình và xã hội; chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp xúc với cơ quan công quyền; công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân...

Ở tiêu chí 1 là “Nâng cao sự hài lòng của người dân về cuộc sống”, trước hết là nâng cao sự hài lòng của người dân về các điều kiện kinh tế, vật chất - một trong những cách làm mới, sáng tạo của tỉnh Yên Bái là đã thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, chuyển dịch mạnh từ sản xuất lấy số lượng, sản lượng làm mục tiêu sang tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm. Chú trọng nhiều giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết, từ tư duy và cách làm đó, Mù Cang Chải đến nay đã xây dựng được các vùng sản xuất tập trung, như vùng sản xuất hoa hồng và rau hàng hóa tại xã Nậm Khắt với diện tích trên 70ha; vùng sản xuất gạo nếp tại xã Nậm Có và Cao Phạ với diện tích trên 400ha; vùng sản xuất gạo Séng cù tại xã Khao Mang và xã Lao Chải với diện tích trên 300ha…

Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tặng quà gia đình chính sách nhân Ngày thương binh liệt sỹ 27/7.

Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tặng quà gia đình chính sách nhân Ngày thương binh liệt sỹ 27/7.

Ông Nông Việt Yên nhấn mạnh: "Chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đến nay toàn huyện có gần 1.200 hộ kinh doanh thương mại dịch vụ, tăng 416 cơ sở so với đầu nhiệm kỳ và doanh thu từ hoạt động du lịch riêng trong năm 2022 đạt gần 300 tỷ đồng, tăng gần 170 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ."

Một nội dung nữa được tỉnh Yên Bái quan tâm là đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ hạ tầng thiết yếu. Qua đó, nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp; những cây cầu mới qua sông Hồng, sông Chảy và nhiều công trình hạ tầng điện, đường, trường, trạm... đã được khởi công ở các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Các công trình này đã thực sự đã trở thành những “công trình, con đường, cây cầu hạnh phúc”, góp phần quan trọng để địa phương có 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới với 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đưa diện mạo nông thôn và đời sống của người dân không ngừng cải thiện, nâng cao.

Ông Nguyễn Văn Định, người dân xã Y Can, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Thông cầu đi đỡ phải qua sông qua đò. Nhà nước quan tâm như thế chúng tôi thấy vui lắm."

Các giá trị văn hóa tinh thần được bồi đắp trong các cộng đồng dân cư.

Các giá trị văn hóa tinh thần được bồi đắp trong các cộng đồng dân cư.

Trong việc nâng cao sự hài lòng của người dân về đời sống xã hội - tinh thần, ngoài quan tâm phát triển, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh...., Yên Bái cũng nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước để đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức. Nhờ đó, năm 2022, chỉ số cải cách hành chính của Yên Bái đã xếp hạng thứ 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 10 bậc so với năm trước; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cũng tăng 5 bậc...

Ở các tiêu chí “Nâng cao sự hài lòng của người dân về môi trường sống” và "Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, nâng cao tuổi thọ trung bình của người dân", Yên Bái đã tăng cường việc quản lý tài nguyên khoáng sản, xử lý nước thải, chất thải; quan tâm sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện các công trình cấp nước sạch tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ; quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực ngành y tế; bảo đảm mọi người dân được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế...

Đến nay, Yên Bái có 02 Bệnh viện đa khoa, 05 bệnh viện chuyên khoa; toàn tỉnh đạt 10,8 bác sỹ/10 nghìn dân; 34,6 giường bệnh/10 nghìn dân. Năm 2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt trên 98%; tuổi thọ trung bình của người dân là 73,9, trong đó, số năm sống khỏe tối thiểu đạt 66,2.

Cuộc sống của người dân Yên Bái, trong đó có các địa phương vùng cao ngày một ấm no hơn.

Cuộc sống của người dân Yên Bái, trong đó có các địa phương vùng cao ngày một ấm no hơn.

Trong thời gian qua, khắp nơi trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua vì hạnh phúc của người dân với những “sản phẩm” cụ thể, đặc trưng. Điển hình như: Phong trào thi đua phòng chống dịch Covid-19; phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc”, “Lớp học hạnh phúc”; hay các phong trào “Bác sỹ tận tâm - Bệnh nhân hạnh phúc”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phong trào thi đua xây dựng văn hóa công sở, nơi làm việc “xanh, sạch, đẹp, hạnh phúc”...

Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Qua khảo sát trên phạm vi toàn tỉnh, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đều tăng qua hằng năm, đến năm 2022 là 62,57%, đạt mức 2 (mức Khá hạnh phúc), số này tăng 8,27% so với năm 2020.

Bà Vũ Thị Hiền Hạnh cho biết: "Có thể khẳng định, chỉ số hạnh phúc đã thực sự trở thành động lực, nền tảng tinh thần rất quan trọng, thể hiện quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vì mục tiêu “Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”."

Mục tiêu của Yên Bái là hết năm 2023 đưa Chỉ số hạnh phúc của người dân lên 63,3% và phấn đấu đến hết nhiệm kỳ tăng 15% so với năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc Yên Bái phải tiếp tục quyết tâm cao độ để triển khai.

Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh Yên Bái vừa tổ chức mới đây, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đã nhấn mạnh: "Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cùng chung tay, góp sức thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; khẩn trương tổ chức thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân."

Từ nay đến hết nhiệm kỳ, Yên Bái cũng sẽ tiếp tục thường xuyên đánh giá tình hình, kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, rút ra những kinh nghiệm hay, bài học quý để tiếp tục đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân, hướng tới mục tiêu xây dựng “Tỉnh hạnh phúc”.

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/yen-bai-da-lam-the-nao-de-nang-chi-so-hanh-phuc-cua-nguoi-dan-post1035456.vov