Yên Bái: Đẩy mạnh và phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện

Là một tỉnh miền núi, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của Yên Bái hiện là một bài toán khó. Tuy nhiên, thời gian qua, BHXH tỉnh Yên Bái đã và đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp từng bước tăng số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn.

Cán bộ bảo hiểm xã hội tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Cán bộ bảo hiểm xã hội tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đến hết tháng 5/2020, toàn tỉnh có 9.242 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 59,53% so với kế hoạch BHXH Việt Nam; tăng 886 người so với tháng trước, tăng 3.927 người so với cùng kỳ năm 2019. Được biết, BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Chính sách này giúp những đối tượng lao động tự do, người dân ở các khu vực nông thôn được nhận lương hưu, chế độ tử tuất giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già.

Tuy nhiên, thời gian qua việc phát triển BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn một phần do những đặc điểm riêng của nhóm đối tượng lao động thuộc khu vực phi chính thức và một phần do chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn, bởi khi tham gia người lao động chỉ được hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất, thời gian đóng còn dài, chưa linh hoạt nên chưa thu hút được người dân.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế. Để mở rộng đối tượng tham gia, BHXH tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền; mở rộng, đào tạo, phát triển hệ thống đại lý thu BHXH đến tận phường, xã, thôn, bản; giao chỉ tiêu đến từng đơn vị, cá nhân. Cùng với đó, cơ quan BHXH tỉnh tập trung cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

Từng là quân nhân, được tham gia BHXH tự nguyện, ông Đỗ Văn Quýt ở thôn Bình Lục, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái sau đó làm việc cho Công ty Cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái và tiếp tục được Công ty tham gia đóng BHXH bắt buộc khi tuổi đã khá cao (48 tuổi). Tháng 10/2018, ông đủ 60 tuổi về hưu nhưng tổng thời gian đóng BHXH thì còn thiếu 35 tháng mới đủ điều kiện nhận lương hưu hàng tháng. Ban đầu, ông Quýt không khỏi băn khoăn giữa việc nhận BHXH một lần với số tiền lớn hay đóng BHXH tự nguyện cho những tháng còn thiếu. Sau nhiều lần được nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT của xã vận động, thuyết phục, cuối cùng, ông cũng lựa chọn giải pháp bảo đảm dài hạn cho những ngày tháng về già. Ông đã chọn hình thức đóng 1 lần với tổng số tiền trên 42 triệu đồng.

Với mức hưởng này, người nông dân như ông Quýt sống ở nông thôn là khá ổn. Cũng theo tự tính toán, chỉ cần 4 năm nhận lương hưu là ông sẽ thu hồi được vốn đóng bảo hiểm, chưa kể, được nhận thêm thẻ BHYT khám bệnh, chăm sóc sức khỏe tuổi già. Thấy ông Quýt được nhận lương hưu, những người dân ở chung quanh cũng tò mò đến tìm hiểu BHXH tự nguyện, làm cách nào để được đóng, thời gian đóng bao lâu thì được hưởng chế độ…?

Cũng như ông Quýt, anh Nguyễn Đức Sỹ ở tổ 7, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên chia sẻ: “Là lao động tự do, tôi mong muốn khi về già có đồng lương hưu để chủ động trong cuộc sống, phòng lúc ốm đau bệnh tật không phải dựa nhiều vào con, cháu nên khi được tuyên truyền về BHXH tự nguyện tôi tham gia ngay với mức đóng 880.000 đ/tháng. Với mức đóng này khi đủ 20 năm đóng tôi nhận được số tiền lương hưu trên 3,3 triệu đ/tháng, số tiền khi về già tôi có thể yên tâm về chi phí sinh hoạt hàng ngày, hơn thế còn có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh”.

Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ các giải pháp, như: Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng đến từng cán bộ, từng đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới đại lý thu trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền trực tiếp để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Đối tượng hướng đến là những người trong độ tuổi lao động, có thu nhập ổn định, chưa tham gia đóng BHXH bắt buộc.

Tuy nhiên, nhìn chung, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp so với tiềm năng. Đặc biệt ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, do nhiều nguyên nhân nhiều người dân chưa nắm bắt đầy đủ chính sách BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động ở nông thôn còn thấp, không ổn định nên khó có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện. Chính quyền địa phương một số nơi chưa thực sự vào cuộc, sự phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện của các cấp, các ngành ở địa phương với cơ quan BHXH chưa thường xuyên.

Để tiếp tục khai thác mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, thời gian tới cần tiếp tục mở rộng mạng lưới đại lý thu, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng tiếp cận dịch vụ thu, chi trả, tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ chính sách về BHXH tự nguyện. Đồng thời, cơ quan BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, địa phương đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng tiếp cận trực tiếp với người dân, giúp người dân nắm bắt đầy đủ các chủ trương, chính sách, quy định về BHXH tự nguyện; từ đó mỗi người tham gia BHXH sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng.

Thái Hà

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/yen-bai-day-manh-va-phat-trien-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-282246.html