Yên Bái: Để bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề vùng hồ Thác Bà

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển du lịch, việc bảo tồn và phát huy giá trị của các nghề, làng nghề truyền thống vùng hồ Thác Bà (Yên Bái) không chỉ là việc làm cần thiết để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Đồng bào người Dao xã Phúc An, huyện Yên Bình duy trì và phát triển làng nghề đan rọ tôm.

Đồng bào người Dao xã Phúc An, huyện Yên Bình duy trì và phát triển làng nghề đan rọ tôm.

Sức sống những làng nghề truyền thống

Trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, một số nghề và làng nghề truyền thống khu vực vùng hồ Thác Bà đã thích ứng và phát huy thế mạnh nên vẫn tiếp tục phát triển, phục vụ nhu cầu của khách du lịch và cư dân địa phương, thậm chí còn tìm kiếm được nhiều thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm: chế tác đá mỹ nghệ, tranh đá quý, đan lát, dệt, thêu các sản phẩm thổ cẩm, cây cảnh… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận cư dân, làm thay đổi bộ mặt kinh tế du lịch của địa phương.

Điển hình như: làng nghề đan lát của người Dao ở xã Vũ Linh, Phúc An (huyện Yên Bình); làng nghề dệt, thêu thổ cẩm và nghề làm nhà sàn của người Dao ở xã Yên Thành (huyện Yên Bình); làng nghề dệt, nhuộm, in và thêu hoa văn trên vải của người Dao Đỏ (xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên); làng nghề tranh đá quý (thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên), làng nghề đục đá và chế tác đá mỹ nghệ trong vùng…

Làng nghề tranh đá quý Lục Yên đã được UBND tỉnh Yên Bái công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2019, nổi tiếng với nét đẹp, văn hóa đặc biệt nhất của vùng đất quê hương của viên Ruby Hồng ngọc đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Ông Trần Mạnh Tú - Chủ tịch Hiệp hội Đá quý Lục Yên cho biết: Vào những năm 90 thế kỷ trước, người đi "săn" vận may từ đá quý từ khắp nơi đổ về đây. Những viên đá quý lớn, to, đạt chuẩn thì người ta dùng làm trang sức và vật phẩm, còn đá màu hay Ruby, Saphire cấp thấp (vỡ rạn, hạt nhỏ) thì được dùng vào việc làm tranh đá. Từ đó mà làng nghề tranh đá quý Lục Yên ra đời. Được chính quyền địa phương quan tâm, làng nghề đã thu hút nhiều nghệ nhân, thợ thủ công ở khắp nơi tới hướng dẫn rồi phát triển thêm nhiều cơ sở sản xuất, tạo ra cộng đồng cùng nhau phát triển.

Hiện nay, làng nghề tranh đá quý Lục Yên có 46 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho trên 200 lao động địa phương. Mỗi năm làng nghề sản xuất, chế tác ra khoảng gần 4.000 sản phẩm. Chợ đá quý Lục Yên thường xuyên được mở vào các dịp cuối tuần với hàng trăm gian hàng, trở thành khu chợ độc đáo, duy nhất ở Việt Nam với đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan, trao đổi mua bán tự nhiên, yên bình như... bán rau ngoài chợ. Tranh đá quý khá đa dạng bao gồm tranh đồng quê, tranh dân gian, tranh sơn thủy, tranh thư pháp, tranh xuân - hạ - thu - đông, tranh truyền thần...

Theo ông Tăng Kết Dư - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thế: "Những sản phẩm tranh đá quý Lục Yên với vẻ đẹp tự nhiên đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhiều tác phẩm có độ tinh xảo và giá trị được được xuất khẩu ra các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… Doanh thu mỗi năm từ nghề làm tranh đá tại huyện Lục Yên khoảng hơn 25 tỷ đồng.

Việc hình thành làng nghề tranh đá quý và tổ chức chợ đá quý đã đóng vai trò quan trọng trong duy trì và phát triển nghề truyền thống này. Nhờ có sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố trên, tranh đá quý Lục Yên không chỉ được bảo tồn mà còn ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa và kinh tế của địa phương”.

Chợ Đá quý Lục Yên thu hút đông đảo du khách vào mỗi dịp cuối tuần.

Chợ Đá quý Lục Yên thu hút đông đảo du khách vào mỗi dịp cuối tuần.

Tại xã Phúc An, huyện Yên Bình, ông Trần Tiến Thơm - Chủ tịch UBND xã cho biết: Nghề đan rọ tôm ở thôn Đồng Tâm xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ XX, gắn liền với sự hình thành của hồ Thác Bà. Các sản phẩm chính là rọ tôm được đan thủ công bằng tre, nứa, giang, tế... có chất lượng cao, được người dân địa phương và các tỉnh lân cận ưa chuộng. Hầu hết các hộ dân trong thôn đều tranh thủ thời gian lúc nông nhàn hoặc có gia đình đã chuyển hẳn sang nghề đan rọ tôm để tạo ra sản lượng lớn và mang lại thu nhập ổn định. Năm 2017, Làng nghề đan rọ tôm Đồng Tâm đã được UBND tỉnh Yên Bái công nhận và cũng là làng nghề truyền thống đầu tiên của huyện Yên Bình, đến nay vẫn được người dân duy trì, phát triển.

"Hiện, du lịch tại địa phương đã phát triển mạnh mẽ hơn nên hoạt động du lịch, trải nghiệm Làng nghề đan rọ tôm Đồng Tâm cũng được một số cơ sở, đơn vị du lịch xây dựng tour giúp du khách có trải nghiệm, mua sắm các sản phẩm thủ công. Từ đó, người dân cũng phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm từ đan lát góp phần phục vụ nhu cầu du khách và gia tăng thu nhập” - ông Thơm cho biết thêm.

Làm gì để bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề?

Vùng hồ Thác Bà nằm trên địa phận hai huyện Lục Yên, Yên Bình hiện có 5 dân tộc (Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Kinh) sinh sống và thường xuyên gắn bó với các nghề thủ công truyền thống như: nghề dệt vải bông, nghề đan lát, nghề mộc, nghề đục đá, chế tác đá mỹ nghệ, nghề rèn, nghề chạm khắc bạc và làm đồ trang sức từ bạc, nghề làm giấy dó… Các nghề thủ công đã trở thành nét độc đáo trong đời sống, văn hóa người dân nơi đây.

Hiện nay, chỉ một số nghề như đan rọ tôm, nghề làm tranh đá quý là một trong số các nghề đã bắt kịp xu thế phát triển, phù hợp với nhu cầu của thị trường nên làng nghề vẫn duy trì sản xuất ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Còn lại, nhiều nghề thủ công truyền thống vẫn chỉ hoạt động cầm chừng, phục vụ nhu cầu đơn thuần của cư dân trong vùng hoặc nhu cầu tự cung tự cấp của các hộ gia đình như: nghề làm hương, nghề mộc, nghề rèn, nghề làm giấy dó… hoặc có những nghề mai một do nguồn nguyên liệu ít đi như nghề chạm khắc bạc và làm đồ trang sức từ bạc; nghề dệt vải bông, nhuộm chàm hay nhuộm vải nhiều màu sắc.

Bàn về giải pháp giữ gìn và phát huy giá trị nghề thủ công truyền thống của các dân tộc vùng hồ Thác Bà, ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Yên Bình cho biết: Thông qua các chương trình, hội thảo mà tỉnh, địa phương tổ chức, chúng tôi đã nắm bắt được những điểm thuận lợi, hạn chế để phát triển du lịch, kinh tế - xã hội các địa phương vùng hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái, trong đó có những nội dung về phát triển các nghề, làng nghề truyền thống tại khu vực. Từ đó, chúng tôi nhìn nhận lợi ích của việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống sẽ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và địa phương, thu hút lao động thường xuyên và tận dụng thời gian nông nhàn khi kết hợp cả sản xuất nông nghiệp và tham gia hoạt động sản xuất của làng nghề.

Đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống để đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, du lịch, phá vỡ thế thuần nông, mở ra khả năng phát triển công nghiệp và dịch vụ một cách hợp lý; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người trong vùng, trong đó làng nghề truyền thống chính là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng...

Để bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống vùng hồ Thác Bà, ông Mạnh cho rằng: "Chúng ta cần thêm nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ để bảo tồn và khôi phục những nghề, làng nghề có tiềm năng phát triển gắn với quy hoạch theo hướng: làng nghề phục vụ sản xuất, làng nghề phục vụ du lịch và những làng nghề vừa sản xuất vừa phát triển du lịch".

Ông Mạnh cũng tâm niệm: "Các làng nghề truyền thống muốn phát triển bền vững thì cần gắn liền với việc bảo vệ môi trường sinh thái. Cụ thể như đối với những nghề và làng nghề có tác động đến môi trường như khai thác, đục, chế tác các sản phẩm mỹ nghệ thì cần có hướng quy hoạch, phân bố thành cụm, tách biệt khu dân cư để sử dụng công nghệ xử lý nguồn thải. Đối với những làng nghề ít gây ô nhiễm môi trường như đan lát mây tre, dệt, thêu, làm hương, làm giấy dó… thì vẫn có thể sản xuất, kinh doanh ở hộ gia đình...”.

Cùng với những chia sẻ trên, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng cũng cần đồng hành với các làng nghề trong công tác truyền thông, quảng bá sự kiện; đăng ký thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm; tiếp tục tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các làng nghề trong đa dạng hóa sản phẩm cũng như quảng bá, bán các sản phẩm của mình trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để lan tỏa sức sống của nghề và làng nghề.

Các địa phương cần rà soát, nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái đối với lĩnh vực nghề thủ công truyền thống nhằm biểu dương, ghi nhận, khuyến khích các nghệ nhân tâm huyết với nghề, đồng thời động viên các nghệ nhân tiếp tục nỗ lực, sáng tạo hơn nữa trong việc mở rộng, nâng cao, đa dạng hóa các mẫu mã, thu hút thêm nữa người tiêu dùng với những sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc dân tộc.

Có thể nhận thấy, việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống vùng hồ Thác Bà là việc làm có ý nghĩa thiết thực góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các địa phương vùng hồ. Do vậy, rất cần sự vào cuộc hơn nữa của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng góp phần duy trì, định hướng và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, góp phần bảo tồn giá trị truyền thống và tìm ra cơ hội phát triển trong tương lai.

Hoài Văn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/327855/yen-bai-de-bao-ton-phat-trien-nghe-va-lang-nghe-vung-ho-thac-ba.aspx