Yên Bái: Lễ hội đền Đông Cuông để lại nhiều ấn tượng cho du khách
Đền Đông Cuông trở thành ngôi đền nổi tiếng có giá trị tâm linh của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái được du khách thập phương biết đến và lui tới cầu nguyện.
UBND huyện Văn Yên (Yên Bái) tổ chức thành công Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn lần thứ 4 gắn với Lễ hội cơm mới Đền Đông Cuông năm 2023 mang lại nhiều ấn tượng cho du khách.
Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ và di sản Lễ hội đền Đông Cuông, UBND huyện Văn Yên đã tổ chức thành công Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn gắn với Lễ hội cơm mới Đền Đông Cuông năm 2023 từ ngày 17 đến 25/10/2023 tại Quần thể di tích lịch sửa văn hóa Quốc gia Đền Đông Cuông, thuộc thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Festival năm nay có nhiều các hoạt động phong phú, đa dạng như diễn xướng hầu đồng, triển lãm ảnh, dâng hương, hát chầu văn, tế trâu hát lộc, mừng cơm mới, hội chợ quê và các hoạt động thể thao dân gian…
Theo đại diện Ban Tổ chức lễ hội, festival được tổ chức nhằm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Đông Cuông đến với du khách thập phương trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ.
Đền Đông Cuông là ngôi đền cổ nằm bên dòng sông Hồng thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Từ lâu đã nổi danh là một trong những ngồi Đền linh thiêng. Đền thờ Mẫu Đệ nhị thượng ngàn, Thần vệ Quốc và nghĩa quân dân tộc Tày hi sinh trong cuộc khởi nghĩa Giáp Dần chống thực dân pháp. Quần thể di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Đông Cuông gồm có: Đền chính, Miếu Cô, Miếu Cậu, Miếu Thần Linh, Động Sơn Trang tại tả ngạn Sông Hồng và Miếu Đức Ông bên hữu ngạn Sông Hồng. Đền Đông Cuông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia vào năm 2009.
Xuân thu nhị kỳ tại đền diễn ra 2 lễ hội lớn vào ngày mão tháng Giêng với nghi lễ mổ trâu trắng và rước Mẫu sang sông; ngày Mão tháng 9 (âm lịch) với nghi lễ mổ trâu đen. Ngày 16/01/2023, Lễ hội Đền Đông Cuông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Đối với tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần.
Năm 2016, di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghi lễ chính, trung tâm của Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ Lên đồng - được hiểu là một hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng nhập của các vị thần trong điện thần của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đánh giá, đền Đông Cuông chính là cái nôi khởi nguồn và đại diện cho tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt.
Theo phong tục của địa phương, hàng năm, cứ xuân thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và "bắc ghế hầu Thánh".
Đây là hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ” và di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội đền Đông Cuông”.