Yên Bái: Lợi dụng san gạt để khai thác khoáng sản trái phép

Mặc dù chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép, thế nhưng ông Hoàng Văn Chính, trú tại thôn Mạ Tun, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, đã tự ý sử dụng máy móc, thiết bị san gạt hàng trăm mét vuông đồi trồng cây để khai thác khoáng sản trái phép.

Khu vực khai thác, san gạt nằm tại thôn Mạ Tun, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn.

Khu vực khai thác, san gạt nằm tại thôn Mạ Tun, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn.

Theo phản ánh của người dân, ông Hoàng Văn Chính đã tiến hành khai thác khoảng sản, san gạt đất nông nghiệp trái phép tại khu vực đường rẽ vào Nhà máy thủy điện Ngòi Hút 2, thôn Mạ Tun, xã Tú Lệ.

Ghi nhận tại hiện trường vào sáng ngày 25/7/2024.

Ghi nhận tại hiện trường vào sáng ngày 25/7/2024.

Ghi nhận của phóng viên Báo Công lý vào sáng ngày 25/7/2024, toàn bộ phần đất đã được khai thác, san gạt khoảng 500m2, một phần đất và đá đã được đổ xuống dòng suối, gây nguy cơ ách tắc dòng chảy.

Trên đỉnh đồi tại khu vực khai thác, san gạt có một chiếc máy xúc ủi, phía chân đồi có hàng chục tấn đá trắng được xếp gọn gàng, ngăn nắp.

Tại đây, để thuận tiện cho việc vận chuyển máy móc, di chuyển đá trắng, hộ dân này còn san gạt để làm đường tạm chắn ngang dòng suối.

Đất, đá đổ xuống dòng suối gây nguy cơ ách tắc dòng chảy.

Đất, đá đổ xuống dòng suối gây nguy cơ ách tắc dòng chảy.

Để làm rõ thông tin, phóng viên có buổi làm việc với ông Hoàng Văn Soàn – Chủ tịch UBND xã Tú Lệ. Tại đây, ông Soàn cho biết xã đã nắm bắt được thông tin và đã cho cán bộ xử lý.

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc người dân tự ý khai thác, san gạt, khai thác khoáng sản có được các cấp có thẩm quyền chấp thuận, đồng ý?, ông Soàn cho rằng "họ đã xin phép bằng miệng chứ không có giấy tờ gì".

Ông Soàn cũng thừa nhận "sau khi nhận được thông tin phản ánh, chính quyền xã đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản".

Lòng suối đã được lấp bởi đất đá đã ảnh hưởng đến dòng chảy, đặc biệt vào mùa mưa lũ.

Lòng suối đã được lấp bởi đất đá đã ảnh hưởng đến dòng chảy, đặc biệt vào mùa mưa lũ.

Cũng theo ông Soàn, tại hiện trường, xã ghi nhận hộ dân này đã khai thác được khoảng 20m3 đá trắng, đồng thời cho rằng khối lượng khai thác chưa được vận chuyển ra ngoài.

Theo ghi nhận của PV, sau khi bị san gạt, khối lượng đá trắng trên đồi lộ thiên ra rất nhiều, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì rất dễ thất thoát tài nguyên.

Khối lượng đá lớn được tập kết.

Khối lượng đá lớn được tập kết.

Theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai của UBND xã Tú Lệ ngày 16/7/2024, ông Hoàng Văn Chính bị yêu cầu trả lại hiện trạng phần đất đã vi phạm và thực hiện khắc phục, trả lại hiện trạng thửa đất như ban đầu trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, tại biên bản làm việc và biên bản vi phạm hành chính của UBND xã Tú Lệ không có từ nào nhắc đến việc khai khác đá trắng với số lượng cụ thể, số lượng cây trồng trên diện tích bị khai thác. Phải chăng UBND xã Tú Lệ đang có sự bao che cho những sai phạm nêu trên?.

Máy xúc được điều đến để khai thác, san gạt.

Máy xúc được điều đến để khai thác, san gạt.

Về sự việc này, một lãnh đạo Văn phòng UBND huyện Văn Chấn cho biết đã được lãnh đạo xã Tú Lệ báo cáo. Nếu trong thẩm quyền của xã Tú Lệ thì xã sẽ xử lý, còn ngoài thẩm quyền sẽ báo cấp lên cấp trên để có hướng xử lý nghiêm khắc.

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Khoáng sản 2010 quy định việc khai thác khoáng sản chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi và chỉ khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép.

Như vậy, khai thác khoáng sản trái phép được hiểu là một hành vi vi phạm pháp luật do cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc không đúng sản lượng được ghi trong giấy phép.

Thành Nam - Văn Đức

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/yen-bai-loi-dung-san-gat-de-khai-thac-khoang-san-trai-phep-441912.html