Yên Bái: Lương y Hà Thị Thoa và bài thuốc chữa rắn cắn cứu người
Lương y Hà Thị Thoa - người dân tộc Mường ở thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã có hơn 47 năm hành nghề bốc thuốc và nổi danh là 'cứu tinh' của nhiều người dân địa phương và các vùng lân cận với nhiều bài thuốc gia truyền chữa trị được nhiều bệnh khác nhau; trong đó, bài thuốc gia truyền chữa trị rắn cắn đã cứu sống hàng nghìn người.
Đến vùng đất linh thiêng Đông Cuông, không khó để tìm được nhà của lương y Hà Thị Thoa qua sự chỉ đường của người dân. Nơi ở của gia đình bà là ngôi nhà sàn truyền thống bằng gỗ nằm lọt thỏm dưới chân của ngọn đồi rậm rạp, kế bên là con suối Lẫm ngày đêm rầm rì…
Có lẽ như là cái duyên, tôi đến nhà bà Thoa đúng lúc chồng bà - ông Lương Tất Thắng đang lúi húi sao thuốc trong bếp, mấy người con tranh thủ ngày nắng phụ giúp mẹ đem thuốc ra phơi, còn bà Thoa đang vệ sinh vết thương và bóp thuốc trên bàn chân của bệnh nhân Mai Thị Luyến ở Trái Hút, xã An Bình. Bàn tay bà thoăn thoắt cầm nắm thuốc xoa bóp lên vết thương, bàn chân đã giảm sưng và giảm đau.
Biết tôi đến để xin thông tin, chưa kịp mời nước, bà Thoa lau vội những giọt mồ hôi trên trán giải thích: "Nhà báo thông cảm, tôi cấp cứu cho người bệnh kịp thời để ngăn không cho nọc độc chạy vào cơ thể. Trong gia đình có 5 chị em gái nhưng bố chỉ truyền bài thuốc gia truyền trị rắn cắn cho tôi. Ngày xưa, bố tôi làm nghề thuốc, tôi hay phụ giúp ông nên thạo việc này và bây giờ thay ông cứu người, tích đức cho con cháu”.
Chị Luyến nhìn vết thương đang dần tiến triển tốt, quay sang cắt lời, cảm kích chia sẻ: "Hôm qua trời mưa, đi xuống bếp vấp phải vật gì cũng không rõ, thấy chân chảy máu và sưng rất nhanh. Hóa ra là bị rắn cắn. Tôi được người nhà đưa đến trạm y tế sơ cứu nhưng không đỡ và rất đau. Được người dân mách, tôi tìm đến mế Thoa lúc nửa đêm, được đắp thuốc, hút hết nọc độc và đang có dấu hiệu bình phục rất nhanh. Tôi lo sợ nhất, nếu không kịp thời, phần vết thương sẽ bị hoại tử, phải tháo khớp. Thật may mắn là đã gặp được đúng người, đúng thuốc. Tôi rất vui và yên tâm!”.
Gần 50 năm chữa bệnh cứu người, mế Thoa không nhớ chính xác là đã cứu bao nhiêu người bị rắn độc cắn và đặc biệt trong số người được bà chữa không ai tử vong. Ngoài bài thuốc trị rắn cắn, mế Thoa còn nhiều bài thuốc gia truyền chữa trị các bệnh về trẻ em và phụ nữ, đặc biệt bài thuốc gia truyền chữa bệnh sỏi thận đã được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận năm 2016.
Theo ghi chép của lương y Hà Thị Thoa, trung bình mỗi năm bà chữa trị cho từ 200 - 300 lượt bệnh nhân, mỗi tháng bình quân từ 15 - 20 người bệnh, với nhiều bệnh khác nhau, sau khi được bà chữa trị, tất cả người bệnh đều có tiến triển tốt.
Là người dân tộc Mường gốc ở Phú Thọ nhưng bà Thoa sinh ra và lớn lên trong một gia đình 5 chị em gái tại xã Xuân Ái, huyện Văn Yên. Gia đình bà có cả bố và mẹ đều làm nghề thầy thuốc chữa bệnh cứu người nên ngay từ khi còn nhỏ, bà đã theo bố mẹ vào rừng ở núi Con Voi cách nhà khoảng chỉ 7 km nhưng phải đi cả buổi sáng mới đến nơi có những cây thuốc chữa bệnh. Cầm mẩu giấy nhỏ màu đất, áng chừng khoảng trăm năm với nét chữ khó đọc, cái mà bà gọi là "dấu tích” còn lại duy nhất là bằng chứng để biết được gia đình mình làm nghề thuốc từ bao giờ.
Bà Thoa chia sẻ: "Đến giờ, tôi cũng không biết chính xác gia đình có nghề gia truyền này từ bao giờ và tôi được truyền nghề lại là đời bao nhiêu nữa. Tôi chỉ nhớ, bố kể lại, ông đã truyền lại cho tôi và dặn dò cẩn thận là phải chữa bệnh, cứu người bằng cái tâm của mình thì bài thuốc mới hiệu nghiệm. Rồi điều đặc biệt và may mắn, năm 1971, khi về làm dâu ở thôn Gốc Quân, trong nhiều anh em bên chồng chỉ mình tôi được mẹ chồng truyền lại cho các bài thuốc chữa cho trẻ em như: cam mòn, cam chéo, đi ngoài và các bài thuốc về phụ nữ, đặc biệt là bệnh vô sinh, hiếm muộn”. Khi nhắc lại kỷ niệm, cơ duyên đến với nghề thuốc gia truyền, bà Thoa rất hào hứng.
- Từ khi mới vào nghề, bà có nhớ đã chữa bệnh cho ai đầu tiên không? Tôi hỏi. Không cần phải lục tìm trí nhớ, bà khoe luôn:
- Người bệnh đầu tiên chính là chồng tôi!
Bà kể: "Tôi không bao giờ quên ngày đó. Hôm ấy là ngày 3/3/1977, chồng tôi đi rừng lấy củi bị rắn độc cắn nhưng không biết loại gì, tôi liền tìm lá thuốc về giã, sao lên đắp vào vết thương, thấy có hiệu nghiệm tức thì, chân không bị tím tái, đau buốt nữa và tháng sau thì lành hẳn. Lần nữa, đó vào năm 1994, ông nhà tôi bị rắn cắn nặng và nguy hiểm hơn lần trước, toàn thân tê buốt nhưng sau vài lần đắp thuốc cũng đã khỏi hẳn”.
- Đó là cây thuốc gì mà hiệu nghiệm đến vậy bà?
Bà Thoa cười hiền hậu đáp: "Bản thân tôi cũng không biết loại cây gì? Chỉ biết ông bà truyền lại và gọi đó là cây "Cô tiên”, lá gần giống với cây râm bụt, chỉ cần giã nhỏ và sao lên đắp vào vết thương sẽ khỏi. Quan trọng là biết kết hợp giữa thuốc và tâm của mình. Bài thuốc đầu tiên chữa bệnh cứu người thành công ấy đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời tôi. Từ đó, tôi rất tâm huyết với bài thuốc ấy và tiếp tục tìm hiểu thêm để bài thuốc hiệu quả hơn”.
Sau này, còn rất nhiều người bệnh đến nhờ bà Thoa lấy thuốc cứu chữa khi bị rắn cắn, thậm chí nhiều trường hợp được chẩn đoán đã bị hoại tử nặng và sẽ phải tháo bỏ khớp như: anh Triệu Văn Quang ở xã Tân Hợp, anh Trần Văn Cường ở xã Xuân Tầm… Có những lần người bệnh được chuyển đến lúc nửa đêm nhưng vợ chồng bà vẫn đốt đuốc lên rừng tìm bằng được cây thuốc để cứu người.
Theo ông Thắng - chồng bà Thoa, mỗi khi có người bị rắn cắn tìm đến, trước khi lên nhà, người bệnh phải bước qua chiếc chày dùng để giã thuốc, đồng thời, bà ấy phải đi lấy thuốc về thì người bệnh mới được vào nhà. Như vậy, thuốc mới có hiệu quả. Đặc biệt, cứ vào ngày 24 - 25 tháng Chạp, gia đình đều phải sắm lễ, làm lễ để ghi nhớ công ơn của tổ tiên đã truyền lại bài thuốc gia truyền. Được biết, bà Thoa chữa bệnh rắn cắn miễn phí, tiền công tùy vào thành tâm của người bệnh để lại chứ hoàn toàn không quy định mức giá hoặc người bệnh mua lễ để bà dâng tổ tiên.
Ngoài bài thuốc đặc trị rắn cắn, bà Thoa còn nhiều bài thuốc chữa cho trẻ em, phụ nữ rất hiệu quả, thậm chí những trường hợp vô sinh, hiếm muộn đều được chữa trị thành công. Từ nhiều bài thuốc gia truyền, bà Thoa không những được bà con trong vùng quý mến mà còn nhiều người bệnh trong tỉnh và ngoài tỉnh biết đến bà như một vị "cứu tinh” trị rắn cắn.
Khi nói về bà Hà Thị Thoa, Bác sĩ Chuyên khoa I Đặng Hồng Hường - Chủ tịch Hội Đông y huyện Văn Yên cho biết: "Bà mế Thoa không chỉ được nhiều người biết đến qua bài thuốc gia truyền trị rắn cắn, bà còn tìm tòi thêm các bài thuốc, phương pháp điều trị để cứu người, điển hình như bài thuốc đánh cho nọc rắn ra nhanh, thuốc chống viêm, chữa sỏi thận… Bên cạnh đó, mế Thoa còn tham gia trong Ban Chấp hành Hội Đông y tỉnh, huyện, Hội Người cao tuổi. Ở tổ chức nào, vai trò nào bà đều phát huy hết khả năng, tận tâm với công việc được giao và được các cấp ủy, chính quyền biểu dương, khen thưởng hàng năm. Năm 2018, bà được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen là điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong các phong trào thi đua”.
73 năm tuổi đời, 47 năm gắn bó nghề bốc thuốc cứu người, bà Thoa đã cống hiến tận tâm, tận lực với nghề cao quý này. Bà luôn tâm niệm "Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp”, vì thế mà bà đã làm nghề một cách tận tâm, duy chỉ một điều bà trăn trở là tuổi già đã đến nên không còn nhanh nhẹn như trước để làm được nhiều việc hơn. Hiện tại, bà Thoa đang tìm người để truyền nghề, thay bà tiếp nối công việc hành thiện cứu người.