Yên Bái: Nghệ thuật Khèn của người Mông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tối 23/12/2023, tại huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái sẽ diễn ra Lễ công bố Quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật múa khèn Mông và nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Căng Chải, Trạm Tấu và huyện Văn Chấn.
Khèn là nhạc cụ độc đáo, gắn liền với hình ảnh những chàng trai dân tộc Mông rắn rỏi, tài hoa hiên ngang giữa đại ngàn gió núi. Cây khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, đồng thời là nhạc khí linh thiêng kết nối giữa trần gian và thế giới tâm linh, cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, phản ánh sâu sắc những sắc thái tình cảm, tâm tư cuộc sống, sự thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời làm tôn lên vẻ khỏe mạnh, dẻo dai của các chàng trai Mông.
Nghệ thuật Khèn của người Mông (Tiếng Mông gọi là "đa kênhx" múa khèn; "yur kênhx" thổi khèn) được xếp vào loại hình: Tập quán xã hội và tín ngưỡng - Nghệ thuật trình diễn dân gian.
Theo lời kể của ông Vàng A Lâu, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, về sự tích ra đời của cây khèn, từ ngày xa xưa, có một nhà, cha mẹ mất sớm, để lại sáu anh em trai ở với nhau. Cuộc sống vắng cha, vắng mẹ buồn tẻ, sáu anh em đã nghĩ ra một dụng cụ có sáu lỗ và sáu bộ phận để sáu anh em cùng được thổi, xua tan đi cái buồn tẻ thiếu mẹ, vắng cha. Ngày ngày, họ đi làm nương làm rẫy, tối về anh em quây quần cùng nhau thổi khèn, tiếng khèn trầm bổng, tha thiết, thu hút sự chú ý của mọi người trong bản nên họ đến chơi rất đông vui. Gia đình không còn buồn tẻ như trước nữa.
Rồi có một ngày, chiến tranh xảy ra, quân giặc ở phương Bắc tràn xuống cướp của, giết người, đốt phá nhà cửa, làng bản. Gia đình sáu anh em, người thì bị giặc giết hại, người thì theo nghĩa quân đánh giặc, người bị phiêu bạt đi nơi khác, tan tác như ong vỡ tổ. Còn lại người em út không nhà không cửa, ở với người chú ruột.
Thiếu tiếng khèn của sáu anh em, trong vùng trầm lắng, quạnh hiu hơn nhiều. Vắng mất năm người anh, chàng út buồn rầu suy nghĩ, muốn làm thế nào để một người có thể thổi được cả sáu ống ấy. Một buổi sáng, chàng đang cày nương, bỗng nhiên chàng nghĩ ra một ý, tháo ách thả cho trâu ăn cỏ, rồi vác dao lên rừng đốn cây gỗ ngả xuống, chặt lấy một đoạn mang về làm bầu khèn, rồi chàng chặt trúc, lựa lấy sáu đoạn để làm ống khèn. Hafng ngày, chàng làm mùa liền tay cho kịp thời vụ cùng dân bản, chiều chiều, mặt trời xuống núi, chàng dắt trâu về chuồng nghỉ ngơi là đêm đến lại cặm cụi dùng dao nhọn đẽo gọt bầu khèn, khoét các lỗ trên các đoạn trúc, làm thành cái khèn mà một người cùng thổi được sáu ống. Chàng đem ra thổi thử.
Lạ thay, cả vùng rừng núi trầm lặng, quạnh hiu bỗng trở nên xôn xao, da diết, gợi nhớ, gợi thương. Dân bản từ khắp nơi trong vùng tụ tập về bên chàng nghe tiếng khèn và cũng để tận mắt chứng kiến chàng trai đã làm ra thứ nhạc cụ độc đáo ấy. Sẵn lòng yêu quê hương, căm thù giặc ngoại xâm, tiếng khèn vang lên đã góp phần cổ vũ tinh thần cho đông đảo người con vùng lên đánh tan giặc ngoại xâm. Giặc tan, tiếng khèn được chàng trai truyền lại cho dân bản, họ cùng nhau nhảy múa, âm vang núi rừng. Từ đó, cây khèn gắn bó với cuộc sống của người Mông.
Theo các nguồn sử liệu, vào đầu thế kỷ XVIII, những nhóm người Mông đầu tiên từ Lào Cai, vượt dãy Hoàng Liên Sơn, vào cư trú ở Nậm Kim, lập kế sinh nhai. Sau đó, mở rộng địa bàn sinh sống ra toàn huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu, vùng cao của các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên. Trong quá trình lịch sử ấy, người Mông đã tạo cho mình một truyền thống văn hóa riêng, độc đáo mà ở đó chứa đựng đầy đủ các giá trị lịch sử, văn hóa - xã hội, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ. Trong đó, nghệ thuật khèn chính là một trong những yếu tố tạo nên những giá trị ấy. Với sự bảo tồn và phát huy của cộng đồng, của địa phương trong những năm gần đây đã giúp nghệ thuật khèn ngày càng được khẳng định, mang trong mình sức sống mãnh liệt và đã trở thành biểu tượng của văn hóa Mông.
Như vậy, cây khèn được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo và tài năng của những người nam giới dân tộc Mông bởi những nguyên vật liệu sẵn có của địa phương như: Gỗ, sặt, nứa. Khèn có mặt ở mọi nơi trong đời sống của cộng đồng từ các nghi thức trong tang ma, cưới xin, lễ hội dân gian đến các hoạt động vui chơi giải trí truyền thống của người Mông. Thông qua đó, khèn nhắc nhở con cháu về cội nguồn dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó vươn lên làm chủ cuộc sống và giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông tỉnh Yên Bái.
Nghệ thuật khèn được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Mông, gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Người Mông thường cư trú trên những triền núi cao, dân cư thưa thớt, nhà nhà sống cách xa nhau trên những quả đồi để canh tác nương rẫy, khai phá đồi thành ruộng bậc thang, trồng lúa nước. Trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển, người Mông luôn cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, anh dũng đấu tranh chống lại kẻ thù và thú dữ. Với môi trường và tập quán cư trú như vậy, mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, cộng đồng muốn tập hợp lại ăn mừng chiến thắng, ăn mừng được mùa hoặc khi có việc cần gọi nhau, cần trao đổi thông tin hoặc tạo âm thanh để tránh thú dữ, để xua đi cảm giác sợ hãi nơi rừng núi vắng bóng người, người ta đã chế tác ra cây khèn với mục đích tạo ra âm thanh từ sản phẩm vật chất đó, lúc đầu có thể chỉ là những âm thanh dời nhau, đứt quãng nhưng phải vang, vọng để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
Sau dần, bằng tài năng, óc sáng tạo nghệ thuật và sự bồi đắp qua nhiều thế hệ tộc người đã tạo nên những bài khèn theo giai điệu, có tiết tấu kèm theo những động tác múa, nhảy để diễn ở những không gian và thời gian khác nhau. Hoạt động này được lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần được nâng lên cả động tác lẫn ý thức, hình thành nên “Văn hóa khèn”. Văn hóa ấy được truyền từ đời này qua đời khác, duy trì và phát triển, trở thành một trong những di sản văn hóa tiêu biểu, mang tính đặc trưng của tộc người, được các cộng đồng khác ưa chuộng và ghi nhận.
Như vậy, có thể nói chính từ môi trường tự nhiên, môi trường lao động sản xuất, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp và nhu cầu về đời sống tinh thần của tộc người Mông đã hình thành nên cây khèn và nghệ thuật khèn để mô phỏng những hoạt động lao động sản xuất, giao tiếp với nhau cũng như giao tiếp với thế giới khác, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người Mông.
Có thể khẳng định, nghệ thuật khèn của người Mông là một thành tố quan trọng của đời sống văn hóa tộc người, ra đời cùng với quá trình hình thành bản sắc văn hóa tộc người, gắn với đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Người Mông đã sáng tạo ra nghệ thuật khèn mang đậm sắc thái tộc người. Mỗi điệu khèn đều thể hiện những triết lý sống cao đẹp của cộng đồng, thể hiện óc sáng tạo và trình độ nghệ thuật cao. Đây là hình thức nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu của tộc người, được mạch nguồn của môi trường tự nhiên, môi trường lao động, môi trường xã hội, môi trường văn hóa tộc người ươm mầm và nuôi dưỡng.
Là một nhạc cụ quan trọng trong hệ thống âm nhạc của người Mông, khèn cùng với các động tác vũ đạo không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội của tộc người trong suốt quá trình lịch sử. Tiếng khèn luôn hiện hữu trong cuộc sống, là nỗi lòng riêng tư sâu thẳm muốn trao gửi cho nhau trong các dịp hội hè, lễ tết, xuống chợ hoặc sẻ chia nỗi đau buồn, mất mát với những người khi phải tiễn đưa người thân của mình về thế giới bên kia đi gặp tổ tiên để đến hôm nay khèn vẫn là bản sắc, là tâm hồn, là ý chí của người Mông tỉnh Yên Bái.