Yên Bái: Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Người Mông ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh Yên Bái nói riêng thường cư trú trên những triền núi cao, dân cư thưa thớt, nhà nhà sống cách xa nhau trên những quả đồi để canh tác nương rẫy, khai phá đồi thành ruộng bậc thang, trồng lúa nước. Để duy trì đời sống, nhu cầu về cái ăn, cái mặc phải được đáp ứng trước tiên. Bằng tài năng, óc sáng tạo nghệ thuật và sự bồi đắp qua nhiều thế hệ tộc người đã tạo nên những hoa văn sắc nét hơn, bổ sung thêm nhiều loại hoa văn cũng như cách thể hiện phong phú đã dần hoàn thiện và tạo nên bản sắc văn hóa không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng và được trao truyền qua nhiều thế hệ, được nâng lên trong cả ý thức và hành động tạo tác trên nhiều loại sản phẩm khác nhau, hình thành nên di sản tiêu biểu của cộng đồng.
Theo lời kể của ông Thào A Thề, người Mông Hoa ở bản Lả Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, xưa kia, người Mông sống ở Trung Quốc cũng có chữ viết và sử dụng như những cộng đồng khác. Sau đó, người phương Bắc tràn xuống, chiếm đất và muốn đồng hóa nên cho quân đốt hết sách có chữ Mông và cấm người đàn ông Mông không được học chữ Mông mà học chữ Hán, người Mông muốn ghi lại lịch sử của mình cũng không được. Đang lúc chạy lên núi, đoàn người gặp một người phụ nữ Mông đang cắm cúi thêu bên suối, người thủ lĩnh chợt nghĩ ra cách giữ lại chữ của người Mông bằng cách thêu chúng lên váy phụ nữ. Nhưng nhận thấy thêu thì lâu nên nhân khi thấy tổ ong trên rừng, ông liền nghĩ, lấy sáp ong đun lên vẽ vào vải để giữ. Việc tạo hình hoa văn trên vải có từ đó nhưng vì người phụ nữ trước kia không được học chữ nên không biết nghĩa của chúng mà chỉ thấy quen với đồ dùng, vật dụng, cây cối, con vật gì xung quanh đời sống của mình thì cho là cái đó thôi.
Một trong những di sản văn hóa phi vật thể điển hình cho loại hình tri thức dân gian về nghệ thuật của người Mông chính là cách thức tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải, được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Mông, nó gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần, tạo nên những giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của cộng đồng dân tộc Mông. Đây là sản phẩm của lao động thủ công, các mẫu hoa văn trang trí phản ánh nhiều mặt của đời sống văn hóa cổ truyền, thường được thể hiện trên trang phục nữ, trang phục trẻ em nữ (áo và váy), địu, gối, chăn, ngày nay còn được thể hiện trên các sản phẩm như ba lô, túi sách... phục vụ khách du lịch khi đến nơi đây.
Như vậy, có thể khẳng định, từ môi trường tự nhiên, môi trường lao động sản xuất, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp và nhu cầu về đời sống tinh thần, về tư duy nghệ thuật của tộc người Mông đã hình thành nên nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải để mô phỏng, chuyển tải, lưu giữ, phản ánh những gì là đặc sắc, là cô đọng nhất về thế giới quan, nhân sinh quan, thiên nhiên và cuộc sống của cộng đồng người Mông cư trú ở vùng rẻo cao phía Bắc của Tổ quốc. Mỗi loại hình hoa văn, mỗi cách thể hiện đều thể hiện những triết lý sống cao đẹp của cộng đồng, thể hiện óc sáng tạo và trình độ tư duy nghệ thuật cao. Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải là một di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng, quan trọng, không thể thiếu trong không gian văn hóa vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Mông, khẳng định được vai trò và sức sống của mình trong quá khứ và đời sống đương đại, là bản sắc, là tâm hồn, là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Mông Yên Bái.
Những người phụ nữ dân tộc Mông ở miền sơn cước nơi đây chính là những tác giả của nghệ thuật tạo hình độc đáo này. Di sản văn hóa phi vật thể này đã tồn tại xuyên suốt, được cộng đồng tự bảo lưu và trao truyền qua nhiều thế hệ, gắn bó mật thiết với đời sống của cộng đồng nói chung và người phụ nữ Mông nói riêng. Cả cuộc đời của họ gắn liền với công việc thêu thùa, may vá, dệt vải, vẽ, thêu hoa văn để tạo ra các sản phẩm thủ công đẹp cho bản thân, con cái, gia đình, dòng họ… Trong tập quán của người Mông, vẻ đẹp, tài năng của người phụ nữ được đánh giá thông qua khả năng thêu thùa, khâu vá, vẽ hoa văn và bộ trang phục cô dâu mặc trong lễ cưới sẽ phản ánh phẩm chất này. Có thể khẳng định kỹ năng dệt vải, thêu và vẽ hoa văn là tiêu chí quan trọng, là thước đo giá trị của người phụ nữ trong xã hội người Mông xưa. Người phụ nữ giỏi thêu thùa, trang trí hoa văn sẽ được cả cộng đồng nể trọng, đề cao. Các em gái người Mông, từ khi mới 8 - 10 tuổi, đã được các bà, các mẹ dạy học dệt vải, cắt, khâu, thêu thùa, vẽ hoa văn để tạo trang phục. Bởi vậy, trong dân ca Mông mới có câu hát: “Lớn lên em theo mẹ tập thêu/Theo anh chị nhuộm chàm, in hoa trên váy mới/Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/Gái xinh chưa biết cầm kim là hư”.
Nguyên liệu, dụng cụ phục vụ cho quá trình tạo hình hoa văn trên vải của người Mông là từ trồng cây lanh để tạo ra sợi lanh, dệt thành tấm vải, nhuộm; tạo ra sáp ong, chảo nấu sáp ong và các loại bút vẽ…
Cây lanh từ lâu đời đã trở nên quen thuộc trong đời sống tộc người Mông, trở thành biểu tượng gắn bó bền chặt của cuộc đời mỗi người. Vì vậy, người Mông vẫn thường truyền nhau câu nói: "Ở đâu có cây lanh, ở đó có người Mông". Để có một tấm vải lanh đủ tiêu chuẩn, đẹp phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu làm đất trồng, chọn giống, cách trồng, thu hoạch, tước, tách, nối sợi, xe sợi, thu sợi, làm trắng sợi và dệt, nhuộm vải lanh… Mỗi một công đoạn lại đòi hỏi có những yêu cầu kỹ thuật, tỷ mỷ, khéo léo, cách xử lý khác nhau. Để dệt thành một tấm vải dài từ 10 đến 12m, rộng 40cm, người phụ nữ Mông phải mất từ 20 đến 22 giờ liên tục. Trung bình mỗi mùa, một người phụ nữ Mông có kỹ năng bình thường có thể dệt được khoảng 48 đến 60m vải lanh.
Tiếp theo là việc tạo sáp ong. Sáp ong là một chất sáp tự nhiên được ong mật sản sinh ra. Sáp mới ban đầu trong suốt và không màu, sau trở nên mờ đục và dần ngả màu vàng hoặc nâu. Sáp ong không bao giờ hỏng, có thể nung nóng và sử dụng lại, sau khi đã vắt lấy mật, phần sáp được khai thác để sử dụng làm mực vẽ trong nghệ thuật tạo hình hoa văn trên vải. Trước kia, đồng bào dân tộc Mông chỉ dùng sáp vàng và nhúng chàm để tạo sáp màu đen để vẽ, đến nay mua thêm sáp màu trắng, trộn các màu này, đun lên để vẽ hoa văn sẽ rõ nét hơn.
Một dụng cụ không thể thiếu để tạo hình hoa văn là bút, các loại bút vẽ. Cây bút có ngòi bằng đồng, các loại bút này đều có tay cầm bằng tre hoặc gỗ và có hai lá đồng, ở giữa hai lá đồng có một ô trống nhỏ là nơi chứa sáp ong, ngòi thường là hình tam giác hoặc hình tròn với nhiều kích cỡ khác nhau. Người phụ nữ khi vẽ, chỉ cần đặt bút vào bát sáp ong đã được đun nóng, điều chỉnh lượng sáp ong sao cho vừa đủ để vẽ lên trên nền vải cho phù hợp.
Đối với người Mông ở tỉnh Yên Bái, có 03 loại bút truyền thống, đó là bút vẽ nét đậm; bút vẽ nét thanh và bút vẽ các hoa văn nhỏ. Gần đây, người Mông ở tỉnh Yên Bái có sử dụng thêm 02 loại bút cầu kỳ hơn để tạo hình hoa văn tổng hợp là: Bút vẽ các hoa văn hình hình học tổng hợp như hình bông hoa, chấm tròn, hình tam giác, hình tròn và bút vẽ các hoa văn hình biểu tượng tổng hợp như hình xoắn ốc, hình chữ thập, cây thông, đồi núi, sóng nước.
Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông ở tỉnh Yên Bái là một thành tố văn hóa dân gian đặc trưng của tộc người Mông, là sự sáng tạo và tích lũy trong quá trình lịch sử tồn tại và phát triển của tộc người.
Ngày 10/11/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 3413/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông 3 huyện Mù Căng Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình tri thức dân gian.
Vừa qua, tại thị trấn huyện lỵ Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái đã tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật Khèn; Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Căng Chải, huyện Trạm Tấu và huyện Văn Chấn.