Yên Bái: Người dân, chính quyền tích cực khắc phục thiệt hại nông nghiệp do lũ
Sau những thiệt hại nặng nề về nông nghiệp do cơn bão số 3, người dân và chính quyền địa phương đang tích cực khắc phục sớm ổn định cuộc sống.
Tại tỉnh Yên Bái, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nên từ ngày 05/9 đến ngày 11/9/2024, các khu vực trong tỉnh Yên Bái có mưa to và rất to. Trên sông Thao tại thành phố Yên Bái cao kỷ lục khoảng 35,73m, trên báo động 3 là 3,73m.
Trên sông Chảy tại hạ lưu thủy điện Thác Bà mực nước cao nhất là 29,05m (trên báo động 3 là 7,05m); mực nước Hồ Thác Bà tại thời điểm sáng ngày 11/9/2024 đạt đỉnh 59,84m, vượt mức cảnh báo cấp 2, vì vậy Nhà máy thủy điện Thác Bà phải xả lũ, điều này khiến nhiều nơi hạ lưu bị ngập.
Qua thống kê, toàn tỉnh Yên Bái thiệt hại về nông nghiệp là tương đối lớn với diện tích gần 6.000 ha, trong đó diện tích lúa bị ảnh hưởng là 1.306,5 ha, ngô, rau màu bị thiệt hại là 1.436 ha, cây công nghiệp, cây ăn quả là 1 ha, cây lâm nghiệp là 322,6 ha.
Theo bà Vũ Thị Liên, thôn Bình Minh, xã Y Can, huyện Trấn Yên: “Nhà tôi có khoảng hơn 2 mẫu đất thuê đất của UBND xã Y Can, nếu như mọi năm không bị ngập do lũ thì thu nhập được hơn cây lúa, cây ngô và ổn định mỗi năm khoảng hơn 100 triệu/năm. Nhà tôi đang nuôi 7 nong tằm, đang ăn duỗi ngày thứ 5 thì bắt đầu nước ngập, không thể nào đi hái lá dâu nữa nên phải đổ bỏ đi trong tiếc nuối”.
Còn tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, nhiều diện tích lúa và hoa màu bị bùn vùi lấp, củi gỗ từ nhiều nơi trôi dạt khiến cho diện tích đất canh tác của bà con người dân không thể trồng cấy.
Trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc cho hay: “Hiện nhiều diện tích đất canh tác bị lũ, bùn vùi lấp chưa thể canh tác được. Có một phần nhỏ diện tích ruộng bà con đã cào lên luống để cấy hoa màu. Phần ruộng còn lại do bùn sâu thì phải mất ít nhất 2 tuần, có những khu vực phải hết năm nay mới xử lý bùn, đất xong để cho vụ mùa mới. Dự tính thiệt hại của xã Tuy Lộc do lũ trong thời gian qua lên đến gần 90 tỷ đồng, trong đó trang trại lợn trên địa bàn bị thiệt hại sơ bộ khoảng gần 40 tỷ đồng”.
Đối với khu vực sông Chảy (qua địa phận huyện Lục Yên và huyện Yên Bình), mưa lớn cùng nước từ thượng nguồn đổ về dẫn đến mực nước hồ Thác Bà lên nhanh, dâng cao, có nguy cơ vỡ đập Thủy điện; việc điều tiết, xả lũ gây ngập úng các xã vùng hạ lưu Thủy điện Thác Bà tại huyện Yên Bình.
Bà Nguyễn Thị Đào, thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình bị mất trắng 5 xào ruộng bị ngập nước do cơn bão số 3 gây ra. Bà Đào than thở, iờ lúa này chúng tôi gặt những bông lúa còn sót lại mang về vò đập.
Chị Phạm Thị Nhung, thôn Minh Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho hay: “Gia đình tôi có khoảng hơn 200 gốc cây bưởi các loại. Nếu như không bị ngập nước thì mọi năm cho thu nhập khoảng hơn 100 triệu. Các cây bưởi bị ngập nước trong vườn cây thì coi như chết hết, khó có thể cứu được, nếu có thể thì cũng mất vài năm mới có thể hồi lại. Lúc nhìn những cây bưởi bị rụng quả tôi xót xa, hụt hẫng lắm. Không biết phải làm gì cả”.
Không làm ngơ trước những thiệt hại của người dân, chính quyền địa phương đã cùng cơ quan chức năng và các chuyên gia về nông nghiệp đã đến hướng dẫn, hỗ trợ bà con để cứu cây trồng.
Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình - ông Lã Tuấn Hưng cho hay: “Trong những ngày qua, địa phương cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, mời các nhà khoa học đầu ngành về cây ăn quả có múi, hiện Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã lên với bà con xã Đại Minh cùng với cấp ủy chính quyền đến kiểm tra các vườn bưởi bị thiệt hại để kịp thời có giải pháp khắc phục nhằm giảm thiểu mức thấp nhất các cây bưởi bị chết do ngập nước”.
Hiện tỉnh Yên Bái đang tích cực khẩn trương khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.