Yên Bái phát triển hợp tác xã vùng dân tộc thiểu số
Phát triển ngày càng lớn mạnh, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế sẵn có, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã thiết thực giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Du khách tham quan Điểm du lịch cộng đồng Bản Tát của HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên.
HTX Nông nghiệp Nhà Páo Ly ở bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải thành lập năm 2019 đã thu hút được các hộ thành viên đều là đồng bào Mông cùng nhau liên kết, hợp tác làm giàu từ trồng cây hoa hồng.
Ông Lý A Tính - Giám đốc HTX cho biết: "Chúng tôi có 6 ha chuyên canh hoa hồng Pháp nhập ngoại. Với giá bán trung bình 1.500 đồng/bông, bình quân 1 ha hoa hồng cho thu 700 triệu đồng, trừ mọi chi phí thì lợi nhuận của HTX đạt 350 triệu đồng/năm”.
Hiện nay, HTX có 13 thành viên, thu nhập của các thành viên đạt từ 6 - 15 triệu đồng/người/tháng tùy từng vị trí. Đồng thời, HTX còn tạo việc làm thời vụ cho khoảng 40 lao động địa phương với mức tiền công 250.000 đồng/người/ngày. Đi vào hoạt động hiệu quả, mô hình của HTX Nông nghiệp Nhà Páo Ly cho thấy rất phù hợp với địa phương có đồng bào DTTS sinh sống.
Đặc biệt, thời gian qua, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp từ mô hình HTX đã giúp nhiều thanh niên DTTS huyện Mù Cang Chải vươn lên làm giàu. Hay như HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, sau 6 năm hoạt động đã và đang tiếp tục sản xuất, kinh doanh hiệu quả với những kết quả đáng ghi nhận: liên kết các hộ đồng bào DTTS làm homestay; liên kết chuỗi giá trị cá tầm; tạo việc làm thường xuyên cho các thành viên với thu nhập 6,5 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ trên 20 phụ nữ dân tộc Mông có việc làm thời vụ. Hiện nay, HTX có 1 sản phẩm OCOP 4 sao Điểm du lịch Cộng đồng Bản Tát, 1 sản phẩm OCOP 3 sao Cá tầm Nà Hẩu.
Ông Giàng A Châu - Phó Giám đốc HTX cho biết: "HTX đã thu hút và tạo việc làm ổn định cho đông đảo phụ nữ Mông. Tham gia HTX, các hộ dân đã và đang trực tiếp được hưởng lợi. Do đó, các thành viên không ngừng học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi; tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, mô hình nuôi cá tầm và du lịch cộng đồng đã trở thành hình mẫu để nhân rộng, giúp đồng bào Mông vươn lên thoát nghèo”.
Thực tế, đa phần các HTX đã phát huy được vai trò trong việc thu hút thành viên tham gia nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, thị trường nên đã có những đóng góp lớn vào phát triển kinh tế của các địa phương, nhất là vùng đồng bào DTTS. Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh khẳng định: "Thời gian qua, các mô hình kinh tế HTX vùng đồng bào DTTS có bước phát triển vững chắc, khẳng định được vai trò, vị trí trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó, mô hình tổ hợp tác, HTX đã khắc phục được những hạn chế trong sản xuất như sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm nông nghiệp thấp. Qua đó đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân vùng đồng bào DTTS”.
Để mô hình HTX vùng đồng bào DTTS phát triển bền vững, các HTX cần nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với đẩy mạnh phát triển chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.
Đây cũng là tinh thần và quan điểm chỉ đạo được xác định trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đồng thời, cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, vai trò nòng cốt của Liên minh HTX; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế HTX vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân vùng DTTS về HTX kiểu mới; tăng cường công tác đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS; mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.