Thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều kết quả thiết thực qua hơn 2 năm triển khai Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới, thúc đẩy việc chăm lo đời sống phụ nữ, trẻ em...

Liên hoan các mô hình Tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu Luật Bình đẳng giới năm 2024 ở huyện Sơn Hòa. Ảnh: CTV
Tuyên truyền nâng cao nhận thức
Sơn Hội là một xã miền núi còn nhiều khó khăn ở huyện Sơn Hòa với trên 50% dân số là người đồng bào DTTS. Thời gian qua, cùng với địa phương, các cấp hội phụ nữ đã tích cực giúp sức, hỗ trợ hội viên, phụ nữ DTTS nơi đây phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Hội Kpá HơTem cho biết: Đặc biệt từ khi Dự án 8 triển khai ở Sơn Hội, các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ, trẻ em về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phòng chống tệ nạn tín dụng đen, phòng chống xâm hại trẻ em… được đẩy mạnh thông qua các mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”, “Địa chỉ tin cậy”, “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được hội phụ nữ thành lập trên địa bàn.
Bên cạnh nhiều hình thức phong phú, như tuyên truyền trực tiếp tại các cuộc họp, lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, sinh hoạt chuyên đề, hội nghị, tập huấn..., Hội LHPN xã Sơn Hội còn cập nhật, chia sẻ thông tin trên các nhóm Zalo, fanpage của hội; tổ chức liên hoan các mô hình tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu Luật Bình đẳng giới dưới hình thức sân khấu hóa giúp người dân tiếp cận thông tin dễ dàng. Những nỗ lực này đã góp phần tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu như tục thách cưới, tảo hôn, thay đổi định kiến về giới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em…
Chị Sô Thị Viễn ở thôn Tân Hợp (xã Sơn Hội) bày tỏ: Thông qua các đợt truyền thông của hội, tôi và nhiều chị em trong thôn đã chú trọng hơn đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân, biết nhiều kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời biết cách hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng xã hội an toàn, phòng chống tội phạm trên không gian mạng, khẳng định vai trò và tiếng nói của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội…
Mở hướng nâng cao chất lượng cuộc sống
Phú Yên hiện có 33 dân tộc anh em, trong đó DTTS với trên 60.000 người (hơn 50% là phụ nữ), chiếm 7% dân số của tỉnh. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, địa phương rất quan tâm đến phụ nữ nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng.
Với vai trò là tổ chức chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức nhiều hoạt động đồng hành cùng phụ nữ để thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 8 giai đoạn 2021-2025 tại 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa và thôn Lạc Đạo (xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa), các cấp hội đã chủ động triển khai thực hiện dự án và đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo Hội LHPN tỉnh, đến nay hội phụ nữ các cấp đã thực hiện đạt và vượt mục tiêu giai đoạn 1 như: thành lập 70/63 tổ truyền thông cộng đồng; 11/8 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 15/13 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi với 1.231 thành viên; 34/31 cuộc đối thoại chính sách cấp xã có 3.845 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia; tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về xóa bỏ bất bình đẳng giới, các hủ tục, tập tục lạc hậu vùng DTTS, miền núi…
“Hội LHPN tỉnh mong rằng việc triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn tỉnh sẽ là cơ hội để thúc đẩy một cách mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở vùng DTTS và miền núi. Qua đó góp phần vào mục tiêu thúc đẩy “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” nơi đây”, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Liên chia sẻ.
Hội phụ nữ các cấp đã thực hiện đạt và vượt mục tiêu giai đoạn 1 như thành lập 70/63 tổ truyền thông cộng đồng; 11/8 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 15/13 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi với 1.231 thành viên; 34/31 cuộc đối thoại chính sách cấp xã có 3.845 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia; tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về xóa bỏ bất bình đẳng giới, các hủ tục, tập tục lạc hậu vùng DTTS, miền núi… Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới, thúc đẩy việc chăm lo đời sống cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.