Yên Bái: Tăng cường công tác quản lý, tu bổ và phục hồi di tích

UBND tỉnh Yên Bái vừa có Công văn số 2201/UBND-VX gửi các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh.

Quần thể di tích Hắc Y Ðại Cại thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên vừa có giá trị về khảo cổ, lịch sử và văn hóa đang được chú trọng bảo tồn và phục hồi.

Quần thể di tích Hắc Y Ðại Cại thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên vừa có giá trị về khảo cổ, lịch sử và văn hóa đang được chú trọng bảo tồn và phục hồi.

Để tăng cường công tác quản lý di tích và nâng cao chất lượng hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả Luật Di sản văn hóa và các văn bản có liên quan; Quyết định số 07/2021/QĐ-UBND ngày 28/5/2021 của UBND tỉnh về quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh Yên Bái gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2030".

Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các quy trình, quy định, thủ tục triển khai các dự án tu bổ di tích; các nội dung thẩm định, thỏa thuận dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích của cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch theo quy định, nhằm bảo vệ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích trong các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích ở địa phương.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc tổ chức, cá nhân lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan hoặc thực hiện các hành vi khác trái pháp luật và thuần phong, mỹ tục. Tăng cường giám sát chuyên môn các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, để nâng cao chất lượng thực hiện các dự án tu bổ di tích, khắc phục các hạn chế, tồn tại nêu trên; Khẩn trương đôn đốc, có ý kiến trực tiếp với các địa phương về các di tích hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng để có phương án chỉnh trang, khắc phục sửa chữa cho phù hợp.

Thường xuyên tổ chức tập huấn về công tác quản lý di tích, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cho các đối tượng là cán bộ cấp huyện, cấp xã có liên quan và người trực tiếp trông coi di tích.

UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí hỗ trợ kinh phí, huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa và nguồn lực của nhân dân để thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bổ sung vào quy hoạch đất di tích đối với những di tích có giá trị về lịch sử - văn hóa tại địa phương để hoàn thiện hồ sơ xếp hạng di tích đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích các cấp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất di tích đối với các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng.

Mai Thu

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/yen-bai-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-tu-bo-va-phuc-hoi-di-tich-378484.html