Yên Bái: Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, phát triển hạ tầng
Năm 2024, tỉnh Yên Bái sẽ tập trung 3 đột phá gắn với cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cho hạ tầng,
Thông tin từ UBND tỉnh Yên Bái cho biết, Chương trình Hành động lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024 của Tỉnh ủy Yên Bái - Chương trình 188-Ctr/TU đề ra mục tiêu, tập trung thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược.
Cụ thể, thực hiện hiệu quả các đề án, chính sách nhằm huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, thiết thực nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp
Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nghị quyết, đề án, cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các đề án, chính sách bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn lực của địa phương…
Quyết liệt cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao trách nhiệm trong xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Công điện số 968/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ số hài lòng của doanh nghiệp, người dân về sự phục vụ của các cơ quan hành chính SIPAS nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước; cải thiện mạnh mẽ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu nằm trong top 30 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thuộc vào nhóm trung bình cao của cả nước.
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin; đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Khuyến khích, hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng vào các ngành ưu tiên của tỉnh như: Nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo...
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số; tạo việc làm gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Xây dựng đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp, nhất là người đứng đầu và đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị...
Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để dẫn dắt, kích thích đầu tư; mở rộng các hình thức hợp tác công tư theo quy định của pháp luật. Huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch...
Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, đồng thời tập trung tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, của huyện, tạo sức lan tỏa và động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình chuyển tiếp, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh, sớm đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kiên quyết xử lý các chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu triển khai các dự án, công trình không bảo đảm chất lượng, tiến độ, chậm giải ngân...