Yên Bái - thị xã xưa, thành phố nay
Từ một thị xã nhỏ bé, nghèo nàn và lạc hậu, thành phố Yên Bái đã chuyển mình dần trở thành một thành phố năng động, hiện đại ở vùng Tây Bắc. Diện mạo của thành phố đang thay đổi từng ngày; kinh tế tăng trưởng vượt bậc; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị và nông thôn được đầu tư xây dựng, từng bước thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh.
Thành phố Yên Bái trong suốt chiều dài lịch sử đã trải qua nhiều lần thay đổi về địa danh và địa giới hành chính. Thời các Vua Hùng, mảnh đất này nằm trong bộ Tân Hưng, thời phong kiến Bắc thuộc nằm trong vùng đất Tượng Quân, Giao Chỉ rồi Phong Châu. Đến thế kỷ XI (thời nhà Lý) thuộc châu Đăng. Thế kỷ XVI (đời Lê Thánh Tông) nằm trong lộ Quy Hóa thuộc tỉnh Hưng Hóa.
Cuối thế kỷ XVI là một làng nhỏ bé trong tổng Bách Lẫm, phủ Quy Hóa thuộc tỉnh Hưng Hóa. Năm 1900, dưới thời thực dân Pháp đô hộ, toàn quyền Đông Dương đã thành lập tỉnh Yên Bái, tỉnh lỵ được đặt tại làng Yên Bái thuộc tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên.
>> Nhớ ngày ra đời chi bộ cộng sản đầu tiên
Thị xã Yên Bái được hình thành là trung tâm của tỉnh nằm ở chân đồn Cao - khu vực quân sự của thực dân Pháp (phường Nguyễn Phúc ngày nay) với diện tích chưa đầy 2 km2. Lịch sử ghi lại rõ nét về thị xã của trước năm 1945 là bức tranh với nhiều mảng màu xám của sự nghèo nàn lạc hậu, của những kìm kẹp đô hộ dẫn đến đời sống nghèo đói và mù chữ.
Trong bức tranh ảm đạm của thị xã xưa có những điểm sáng bắt đầu được nhen nhóm của cách mạng với những đợt đấu tranh tiến công địch về mọi mặt.
Trước áp lực và sức mạnh của lực lượng cách mạng và ý chí quật cường của người dân thị xã, ngày 22/8/1945, quân Nhật giương cờ trắng, chấp nhận các yêu cầu của ta, hoàn toàn quy phục. Công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân các dân tộc Yên Bái hoàn toàn thắng lợi.
Cùng với dòng chảy của lịch sử, sự vươn mình của thị xã xưa, thành phố Yên Bái hôm nay trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Với vị trí quan trọng trên hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, vị trí thuận lợi để kết nối các hoạt động kinh tế với các đô thị nằm trên hành lang Thủ đô Hà Nội, các đô thị cửa khẩu và cảng biển… thành phố Yên Bái có tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ của đô thị.
>> "Vóc dáng” mới cho thành phố Yên Bái
Tận dụng tối đa ưu thế, thành phố Yên Bái hôm nay có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh, bền vững; cơ sở kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Hình thành các khu công nghiệp hiện đại. Đô thị thành phố phát triển đổi thay từng ngày theo hướng sáng, xanh, sạch đẹp, hiện đại và văn minh với nhiều công trình, dự án về hạ tầng đô thị được đầu tư đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả.
Đời sống của người dân ngày được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Bắt kịp với xu thế phát triển của công nghệ, công tác chuyển đổi số đã nhanh chóng đưa các tiện ích thông minh đi vào mọi mặt đời sống nhân dân thành phố.
Chất lượng y tế, giáo dục được nâng cao. Các thiết chế văn hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư và phát huy; các phong trào văn hóa văn nghệ thể dục thể thao được phát triển rộng khắp trong nhân dân tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi, là động lực quan trọng cho sự phát triển của thành phố.
Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo được đặc biệt quan tâm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân thành phố ngày càng được nâng cao; chỉ số hạnh phúc của người dân thành phố năm 2022 đạt 72,7%, vượt 3,8% so với kế hoạch; 100% hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được quan tâm bảo đảm ổn định cuộc sống và đến nay cơ bản thành phố không còn hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường; công tác quản lý, điều hành của chính quyền có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hơn, giữ vững vị trí đứng đầu trong 3 năm liền về chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện…
Bức tranh thành phố Yên Bái hôm nay tươi sáng và sống động hơn với nhiều gam màu tươi sáng của sự phát triển. Đặc biệt, thành phố vừa được Bộ Xây dựng thẩm định đề nghị công nhận thành phố là đô thị loại 2. Đây là điều kiện quan trọng để thành phố Yên Bái tiếp tục tạo lập vị thế, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/299883/yen-bai---thi-xa-xua-thanh-pho-nay.aspx