Yên Bái với 'cuộc chiến' phòng, chống HIV/AIDS
Những năm qua, 'cuộc chiến' phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Yên Bái luôn có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ và hiệu quả, Yên Bái đã và đang từng bước khống chế tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS ổn định sức khỏe, hòa nhập cuộc sống. Qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm tác động của dịch bệnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
"Phủ sóng” công tác thông tin, tuyên truyền
Chúng tôi đến thăm anh D.D.M ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, người bị nhiễm HIV cách đây 10 năm. Anh M tâm sự: "Năm 2014, một lần tình cờ đi khám bệnh phải làm xét nghiệm, tôi phát hiện ra mình bị nhiễm HIV. Lúc ý, tôi rất sốc, cuộc sống như đóng sập mọi cánh cửa. Tôi cảm thấy mặc cảm, tự ti, không dám đi đâu hay giao tiếp với mọi người. Tuy nhiên, sau đó được sự tư vấn của cán bộ y tế các cấp, tôi lấy lại tinh thần và tham gia điều trị thuốc ARV. Tôi tự biết cách chăm sóc sức khỏe, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm sang người thân trong gia đình cũng như những người xung quanh”.
Còn chị V.T.M ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái bùi ngùi: "Lấy chồng năm 2008, khi ấy tôi mới 24 tuổi, một năm sau thì sinh con. Từ khi sinh đến 17 tháng tuổi, con tôi cứ ốm dai dẳng, triền miên mãi không khỏi. Tôi đưa cháu đến viện điều trị thì phát hiện cháu nhiễm HIV. Các bác sĩ tư vấn, vợ chồng tôi cũng làm xét nghiệm thì cả hai đều nhiễm bệnh. Một thời gian ngắn sau, con tôi mất.
Nhiều lần, tôi đã suy nghĩ hay là mình chết theo con nhưng có sự động viên, an ủi của người thân, nhất là đội ngũ y, bác sĩ Trạm Y tế phường Yên Ninh, tôi dần nguôi ngoai nỗi đau, hiểu hơn về căn bệnh HIV. Hiện 2 vợ chồng tôi đều tham gia sinh hoạt trong nhóm những người nhiễm HIV ở phường Yên Ninh để cùng động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống”.
Câu chuyện của anh D.D.M và chị V.T.M chính là minh chứng rõ nét cho sự quan trọng của công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức cộng đồng về HIV/AIDS. Và cũng như anh D.D.M và chị V.T.M, thời gian qua, nhờ công tác tuyên truyền được phủ sóng rộng rãi mà nhiều người nhiễm HIV/AIDS hay người thân những người nhiễm HIV/AIDS đã tìm lại được ánh sáng cuộc đời.
Những năm qua, Yên Bái đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng. Trong đó, chú trọng hoạt động truyền thông trực tiếp hướng đến những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao: người nghiện chích ma túy, người bán dâm và người có quan hệ tình dục đồng giới, người nhiễm HIV/AIDS và gia đình của họ...
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (01/12). Đến ngày 15/11/2024, toàn tỉnh đã tổ chức được 978 buổi truyền thông trực tiếp cho trên 19.660 lượt người; thực hiện tuyên truyền, tư vấn xét nghiệm, giới thiệu các dịch vụ dự phòng, chăm sóc hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người bệnh, người có nguy cơ mắc bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế.
Đặc biệt, với xu hướng trẻ hóa nhóm đối tượng nguy cơ cao là nghiện chích ma túy, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS trong trường học được đa dạng hóa về hình thức, đổi mới nội dung tuyên truyền sinh động, dễ hiểu thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức phòng, chống HIV/AIDS…
Tăng cường hoạt động can thiệp, dự phòng
Đi đôi với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, các tổ chức chính trị - xã hội, sở, ban, ngành chức năng, các địa phương, đơn vị, cộng đồng trên địa bàn tỉnh còn đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống HIV/AIDS theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp thực tiễn với công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác liên quan; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình, kế hoạch công tác y tế; lồng ghép, phối hợp với các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự của địa phương, ngành, đơn vị; đẩy mạnh nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức lồng ghép, phối hợp hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các đề án, dự án, chương trình như: chương trình xóa đói giảm nghèo, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người nhiễm HIV sống và hòa nhập cộng đồng, Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng gia đình, tổ dân phố, thôn, bản, cơ quan, đơn vị văn hóa…
Bên cạnh đó, hướng tới mở rộng, đổi mới các biện pháp can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, các hoạt động can thiệp, dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm có nguy cơ cao được tập trung triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh. Các mô hình cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí được đa dạng hóa phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, giúp những người có nguy cơ cao tiếp cận các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. 11 tháng của năm 2024, toàn tỉnh đã phát gần 336.790 bơm kim tiêm cho trên 1.470 người; phát trên 42.700 bao cao su cho đối tượng nguy cơ cao.
Ngoài ra, hoạt động điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cũng được chú trọng thực hiện. Đây được coi là biện pháp hữu hiệu, ít tốn kém, giúp bệnh nhân vừa cải thiện về điều kiện kinh tế vừa không tham gia vào con đường tiêm chích dễ gây lây nhiễm HIV/AIDS, góp phần giảm tình trạng lây nhiễm HIV hiệu quả, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Hiện toàn tỉnh đang điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại các cơ sở điều trị trong tỉnh cho 1.098 bệnh nhân.
Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở các biện pháp can thiệp cho người nghiện ma túy, Yên Bái còn chú trọng đến công tác xét nghiệm HIV và phòng ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bác sĩ Chuyên khoa I Hoàng Thị Tươi - Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính làm lây nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả thì tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn 2 - 6%. Do vậy, Yên Bái luôn coi trọng công tác xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con”.
Nhìn lại những thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Yên Bái, có thể thấy rõ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc đẩy lùi dịch bệnh này. Công tác tuyên truyền, can thiệp, điều trị HIV/AIDS đã giúp giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV. Thời gian tới, để duy trì, phát huy những kết quả đã đạt được, Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh duy trì ổn định hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS các cấp; tập trung triển khai các hoạt động giám sát, can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; thường xuyên triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi phòng, chống HIV/AIDS…
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, tin tưởng Yên Bái sẽ tiếp tục "cuộc chiến” phòng, chống HIV/AIDS một cách hiệu quả, bảo vệ thành công sức khỏe cộng đồng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong tương lai.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% số cơ sở điều trị HIV/AIDS triển khai điều trị thuốc ARV trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; 100% số cơ sở sản khoa có sinh triển khai các can thiệp giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tính riêng 11 tháng của năm 2024, Yên Bái đã thực hiện xét nghiệm HIV 37.102 mẫu, qua đó phát hiện 76 ca mắc mới, điều trị dự phòng lây nhiễm cho 12 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/342725/yen-bai-voi-cuoc-chien-phong-chong-hivaids.aspx