Yên Bình chăm lo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Từ nguồn hỗ trợ thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2024 trên 156 tỷ đồng, huyện đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các công trình gồm: cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, lớp học, đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế, bảo tồn giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển kinh tế...

Câu Lạc bộ Văn nghệ dân gian dân tộc Cao Lan xã Phúc An, huyện Yên Bình chuẩn bị đạo cụ biểu diễn giao lưu văn nghệ.

Câu Lạc bộ Văn nghệ dân gian dân tộc Cao Lan xã Phúc An, huyện Yên Bình chuẩn bị đạo cụ biểu diễn giao lưu văn nghệ.

Trở về sau lớp tập huấn ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi do huyện Yên Bình tổ chức từ năm 2023, các kiến thức học được đã giúp cho ông Trần Văn Thanh, dân tộc Cao Lan ở thôn Đình, xã Vĩnh Kiên vững tin sử dụng các biện pháp phòng, ngừa bệnh cho đàn bò 30 con của gia đình.

Ông Thanh khẳng định: "Sau khi tham gia lớp tập huấn, tôi mới biết ngoài việc bảo đảm vệ sinh chuồng trại còn phải tiêm đủ 3 mũi phòng bệnh cho đàn bò. Cụ thể, phải tiêm mũi tụ huyết trùng vào thời điểm đầu năm, giữa năm tiêm mũi phòng bệnh viêm da nổi cục và cuối năm tiêm mũi chống bệnh lở mồm long móng cho đàn bò thì mới yên tâm chăn nuôi được”.

Theo ông Thanh, những kiến thức được tiếp nhận, thành quả chăn nuôi có được như hiện nay, một phần là nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực vươn lên của gia đình, phần nữa là sự quan tâm, động viên kịp thời của Đảng, Nhà nước thông qua nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.

"Gia đình tôi đã được tiếp cận chính sách giao đất, giao rừng để có đất phát triển mô hình kinh tế đồi rừng. Tiếp đến, tận dụng diện tích đồng cỏ rộng lớn, vay vốn ưu đãi của Nhà nước, gia đình tôi phát triển mô hình chăn nuôi bò và từ đôi bò giống ban đầu, đến nay đã phát triển lên 30 con. Việc thường được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt đã giúp các mô hình kinh tế của gia đình phát triển tốt, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm” - ông Thanh phấn khởi cho biết thêm.

Thời gian qua, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân nói chung, đồng bào DTTS tại địa phương nói riêng. Ông Lưu Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Đồng bào DTTS được vay nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với lãi suất rất thấp, có thể vay tới 100 triệu đồng mà lãi suất chỉ 0,25% trên tháng, thời gian vay 10 năm. Đồng bào DTTS được vay vốn để xóa nhà dột nát và đến khi khởi công xây dựng nhà thì xã huy động cán bộ, nhân dân tham gia hoạt động "Ngày thứ Bảy cùng dân" để hỗ trợ công lao động: đào móng, vận chuyển vật liệu… giúp hộ nghèo sớm có ngôi nhà mới.

"Cùng đó, xã còn xây dựng, duy trì hoạt động hiệu quả câu lạc bộ văn nghệ dân gian của đồng bào Cao Lan thông qua hoạt động hỗ trợ trang thiết bị âm thanh, trang phục biểu diễn để giúp đồng bào nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tích cực tham gia các chương trình biểu diễn, hội diễn của xã, huyện, tỉnh tổ chức” - ông Vượng nói.

Huyện Yên Bình hiện có 16 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, 23 thôn đặc biệt khó khăn, tổng dân số trên 116 nghìn người, với 12 dân tộc chung sống. Thời gian qua, huyện đã xác định thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nên đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết các dân tộc.

Huyện tăng cường vai trò lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; phối hợp đồng bộ có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đảm bảo đúng quy định; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối với các vùng động lực phát triển; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ, nhất là cán bộ người DTTS.

Ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, trong 5 năm qua, huyện đã thực hiện được trên 2.300 cuộc tuyên truyền về công tác dân tộc, chính sách dân tộc với trên 18.000 lượt người tham gia, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và người dân. Đã có 496 hộ đồng bào DTTS được vay vốn phát triển sản xuất, làm nhà ở với tổng số tiền trên 32 tỷ đồng.

Hằng năm, huyện đã phối hợp liên kết đào tạo nghề cho trên 3.000 người lao động, tạo việc làm cho trên 3.500 lao động; hỗ trợ xóa được 439 nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách. Những nguồn hỗ trợ này là động lực quan trọng để giảm toàn huyện còn 1.396 hộ nghèo, tương đương tỉ lệ 4,52%; trong đó, số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 900 hộ, chiếm 64,5% hộ nghèo toàn huyện.

Trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, huyện Yên Bình đã triển khai 9 dự án tại 117 thôn thuộc 16 xã vùng đồng bào DTTS. Từ nguồn hỗ trợ thực hiện Chương trình, giai đoạn 2021 - 2024 trên 156 tỷ đồng, huyện đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các công trình gồm: cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, lớp học, đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế, bảo tồn giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển kinh tế...

Cùng đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện triển khai 5 dự án và tiểu dự án thành phần, với tổng kinh phí được bố trí đến nay là trên 16 tỷ đồng. Sau 3 năm triển khai, đã thực hiện hỗ trợ 7 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho 88 hộ nghèo, cận nghèo, tổ chức 21 lớp đào tạo nghề…

Việc xác định rõ trách nhiệm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận dụng nhiều cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, lồng ghép các chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tại địa phương.

Hoài Văn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/323421/yen-binh-cham-lo-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so.aspx