Yên Châu chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Yên Châu quan tâm. Sau đào tạo, tập huấn, các học viên tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập.
Trước đây, gia đình anh Trần Văn Giáp và các hộ dân bản Thanh Liêm 1, xã Phiêng Khoài trồng mận hậu chủ yếu để cây phát triển tự nhiên, nên năng suất, chất lượng thấp. Khoảng 5 năm trở lại đây, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc mận hậu theo tiêu chuẩn VietGAP, do huyện, xã phối hợp tổ chức, theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, đã tạo bước chuyển trong nhận thức canh tác.
Anh Trần Văn Giáp chia sẻ: Sau khi tham gia lớp học, tôi đã biết cách đốn, cắt tỉa những cành già cỗi, tạo tán thấp, cách chăm sóc, để số lượng quả vừa phải. Nhờ vậy, vườn mận hậu của gia đình cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, được thương lái thu mua tận vườn và xuất bán vào các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn trong, ngoài tỉnh. Vụ mận vừa qua, với 3 ha mận hậu của gia đình cho thu hoạch trên 30 tấn quả, trừ tất cả chi phí đầu tư, thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Còn gia đình chị Hoàng Thị Thơm, bản Quỳnh Chung, xã Phiêng Khoài, chọn nghề nuôi lợn, quy mô 2 con lợn nái và duy trì mỗi lứa từ 10 con lợn thịt trở lên. Năm vừa qua, chị Thơm tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trừ bệnh cho lợn trong thời gian 3 tháng và được cấp chứng chỉ do Phòng Dân tộc huyện phối hợp với Công ty Mầm Lộc tổ chức.
Chị Thơm nói: Tôi được học cách xử lý chất thải chăn nuôi bảo vệ môi trường; cách thức phòng trừ, phát hiện các loại bệnh trên đàn lợn như tiêu chảy, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi… Sau khi áp dụng, đàn lợn của gia đình phát triển tốt, tổng thu nhập từ bán lợn giống và lợn thịt đạt 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tôi đã đầu tư 2 bể biogas xử lý chất thải, lấy gas để đun nấu, tiết kiệm chi phí chăn nuôi rất nhiều.
Từ đầu năm đến nay, huyện Yên Châu mở 16 lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, kỹ thuật chăn nuôi cho 412 lao động nông thôn của các xã: Phiêng Khoài, Chiềng On, Lóng Phiêng, Chiềng Tương, Yên Sơn. Hiện nay, tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng của huyện Yên Châu đạt 72,8%.
Ông Vì Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Toàn huyện có khoảng 48.500 lao động trong độ tuổi lao động, chiếm trên 60% dân số. Hằng năm, huyện chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với các xã, thị trấn, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sát với thực tế, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Hướng dẫn UBND các xã, thị trấn xác định danh mục ngành nghề đào tạo phù hợp với người lao động, điều kiện của từng địa phương, trong đó, tập trung vào các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, may công nghiệp, cơ khí, xây dựng.... Tăng cường thông tin thị trường lao động, chú trọng giải quyết việc làm, giới thiệu việc làm cho lao động vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn, huyện Yên Châu chỉ đạo các địa phương rà soát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của người lao động; sử dụng hiệu quả nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình giảm nghèo bền vững, tổ chức thêm nhiều lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
Đến hết năm 2023, huyện Yên Châu phấn đấu tổ chức 39 lớp đào tạo nghề trình độ dưới 3 tháng cho 1.365 lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, 25 lớp đào tạo chăm sóc cây ăn quả cho 875 lao động; 14 lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi cho 490 lao động; tổ chức 10 lớp đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò... Nâng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng toàn huyện lên 73%.