Yên Châu mở rộng quy mô chăn nuôi
Cùng với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Yên Châu đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích nông dân đầu tư phát triển chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức tập trung, quy mô trang trại, gia trại, theo hướng bền vững.
Gia đình anh Bùi Văn Việt, bản Chiềng Thi là một trong những hộ đầu tiên ở xã Chiềng Pằn đầu tư trang trại nuôi bò sinh sản. Anh Việt chia sẻ: Trước đây chủ yếu chăn thả tự nhiên, nên bò chậm lớn. Năm 2017, sau khi thăm quan, học hỏi một số mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của gia đình, nên đã xây dựng chuồng trại, mua 5 con bò giống về nuôi.
Vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, sau một năm, anh Việt tiếp tục mở rộng khu chăn nuôi kiên cố, duy trì mỗi lứa từ 40-50 con trâu, bò. Chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò, ngoài tận dụng các phụ phẩm từ rơm, rạ, thân cây ngô sau khi thu hoạch, gia đình anh trồng gần 1 ha cỏ voi để ủ chua dự trữ; đồng thời thực hiện các biện pháp phòng dịch nên đàn gia súc phát triển tốt. Mỗi năm, gia đình anh xuất bán từ 40-60 con trâu, bò; sau khi trừ chi phí, thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Còn gia đình anh Nguyễn Văn Điều, bản Chiềng Kim, xã Chiềng Sàng vươn lên làm giàu với mô hình nuôi vịt siêu trứng. Hiện nay, trang trại vịt của gia đình anh Điều nuôi gần 1.800 con vịt; mỗi ngày xuất bán trên 1.400 quả trứng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu lãi 220 triệu đồng. Anh Điều chia sẻ: Nuôi vịt siêu trứng đòi hỏi kỹ thuật, nhất là khâu chọn giống, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Vịt nuôi đến tháng thứ 5 bắt đầu đẻ trứng, giai đoạn này phải lưu ý cung cấp đủ chất dinh dưỡng bằng hỗn hợp cám viên kết hợp với rau bèo để đàn vịt đẻ giảm tích mỡ; thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học.
Hiện nay, huyện Yên Châu có 76.000 con gia súc, 381.000 con gia cầm, sản lượng thịt hơi hằng năm đạt trên 3.300 tấn. Huyện chỉ đạo các xã tuyên truyền các hộ chuyển từ chăn thả sang nuôi theo hướng tập trung; vận động các hộ chăn nuôi chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn. Đồng thời, khuyến khích nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo chuỗi liên kết.
Ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Châu, cho biết: Trên địa bàn huyện có hơn 100 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại; trung bình thu nhập từ 180-500 triệu đồng/năm. Huyện đã triển khai các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và tham gia các dự án phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn, chất lượng; khuyến khích liên kết với các doanh nghiệp ổn định đầu ra cho sản phẩm. Tăng cường quản lý về lĩnh vực chăn nuôi, thú y, cung cấp các loại vắc xin phòng chống dịch bệnh.
Việc phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, còn hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần thúc đẩy chăn nuôi của huyện Yên Châu phát triển theo hướng bền vững.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/yen-chau-mo-rong-quy-mo-chan-nuoi-WDPOCfkIg.html