Yên Khánh, nhiều giải pháp nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông thôn

Những năm qua, huyện Yên Khánh đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ lao động địa phương nâng cao kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chủ động tìm kiếm việc làm, thu nhập ổn định.

Người dân làm nghề đan bèo bồng truyền thống ở xóm 8, xã Khánh Mậu.

Người dân làm nghề đan bèo bồng truyền thống ở xóm 8, xã Khánh Mậu.

Ở xóm 8 (xã Khánh Mậu), làng nghề truyền thống đan bèo bồng trải qua nhiều thăng trầm. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn duy trì và giữ gìn nghề, coi đó là nghề giúp giải quyết việc làm lúc nông nhàn, nâng cao thu nhập cho nhà nông.

Bà Nguyễn Thị Nga, người dân xóm 8 chia sẻ: Ngày trước, dù chưa qua bất kỳ lớp đào tạo nghề nào, người biết nghề chỉ cho người chưa biết mà người dân trong xóm, từ người cao tuổi đến trẻ con đều biết đan cói, bèo bồng. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm nhiều khi không đạt, năng suất lao động kém.

Từ khi có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở trong công tác đào tạo nghề, người lao động chúng tôi được học các kỹ thuật, được hỗ trợ về các chi phí, nguyên liệu trong quá trình học nghề… Do đó, tay nghề của người lao động được nâng lên, nhận các đơn hàng với các mẫu mã đa dạng theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Đồng chí Lê Hồng Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Mậu cho biết: Là địa phương sản xuất nông nghiệp, xã Khánh Mậu luôn quan tâm thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương. Phát huy thế mạnh có nghề truyền thống là đan bèo bồng, đan cói, xã đã tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách, tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề… để thu hút ngày càng nhiều lao động làm nghề.

Hàng năm, xã đã chỉ đạo các đoàn thể phối hợp với các ban, ngành của huyện mở từ 1-2 lớp đào tạo nghề gắn với nhu cầu, mong muốn của người lao động. Qua đó, nhiều lao động địa phương được đào tạo, nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất.

Cùng với nghề truyền thống là đan bèo bồng, đan cói, nhiều lao động địa phương đã tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề do các đoàn thể của huyện tổ chức như may mặc, giày da, cơ khí… để có cơ hội tuyển dụng vào các doanh nghiệp, nhà máy ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Yên Khánh.

Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của xã Khánh Mậu đạt trên 60%. Có tay nghề vững vàng, nhiều lao động đã tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 2,32%.

Đặc biệt, lao động làm nghề truyền thống đan bèo bồng thường xuyên đều có mức thu nhập ổn định từ 100.000 đồng-200.000 đồng/ngày và từ vài chục nghìn đồng/ngày đối với những lao động tranh thủ lúc nông nhàn đã giúp nghề truyền thống ở địa phương được duy trì và phát triển.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Yên Khánh quan tâm và có nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Giai đoạn từ năm 2009 đến tháng 7/2017, huyện có Trung tâm Dạy nghề là đơn vị duy nhất trên địa bàn được cấp phép đào tạo 9 nghề, trong đó: Các nghề đào tạo trình độ sơ cấp gồm điện tử, may công nghiệp, điện dân dụng; các nghề đào tạo dưới 3 tháng gồm thêu ren; đan cói, bẹ chuối, bèo bồng; mây tre đan; trồng nấm; trồng rau và trồng hoa; nuôi và phòng trị bệnh cho gà với quy mô đào tạo hơn 700 học viên/năm.

Từ tháng 8/2017, Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện được sáp nhập thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tiếp tục thực hiện nhiệm vụ dạy nghề cho lao động nông thôn và học sinh phổ thông.

Nghề làm hương khá phát triển ở xóm 7 Bình Hòa, xã Khánh Hồng.

Nghề làm hương khá phát triển ở xóm 7 Bình Hòa, xã Khánh Hồng.

Trao đổi với đồng chí Phạm Ngọc Diệp, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Khánh được biết thêm: Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường và nhu cầu người lao động, huyện Yên Khánh thường xuyên tổ chức điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu của thị trường lao động, nhất là nhu cầu về nguồn nhân lực qua đào tạo, có tay nghề cao thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, nhất là lĩnh vực mũi nhọn của huyện trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, may mặc, giày da…

Trên cơ sở đó định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho người học; triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao đảm bảo về số lượng, cơ cấu ngành nghề, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện căn cứ chương trình khung đào tạo do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dạy nghề ban hành để xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp dạy nghề, thường xuyên cập nhật nội dung chương trình đào tạo chi tiết cho từng nghề đảm bảo phù hợp với thực tế, đáp ứng được các yêu cầu của công tác đào tạo nghề.

Căn cứ tính chất ngành nghề, trình độ của học viên, các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được điều chỉnh theo hướng giảm thời lượng học lý thuyết, tăng thời lượng học thực hành, cầm tay chỉ việc, đã góp phần nâng cao kỹ năng nghề cho các học viên.

Huyện Yên Khánh cũng tập trung chỉ đạo việc định hướng dạy nghề và phát triển nghề. Đối với nhóm nghề đan bèo bồng, bẹ chuối, cói xuất khẩu tập trung ở các xã phía Nam huyện là các xã có điều kiện tận dụng nguyên liệu tại chỗ; may công nghiệp là ngành đang có xu hướng phát triển, được ưu tiên đào tạo tại các xã có doanh nghiệp may xuất khẩu trên địa bàn.

Ngoài ra, huyện còn quan tâm phát triển các nghề xây dựng dân dụng, cơ khí, điện tử, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ nhu cầu tiếp nhận lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn và công tác xuất khẩu lao động.

Việc tổ chức các lớp dạy nghề tại các xã, cụm xã nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia học nghề, tiết kiệm chi phí đi lại, đảm bảo thời gian học, phù hợp với nhu cầu của người học nghề.

Giai đoạn từ năm 2014-2024, huyện Yên Khánh đã tổ chức được 40 lớp dạy nghề cho hơn 1.600 lao động nông thôn với các nghề: may công nghiệp, đan bèo bồng, cói xuất khẩu, trồng rau sạch, góp phần tăng năng suất và hiệu quả sản xuất.

Một bộ phận lao động nông thôn sau học nghề đã chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp. Các chế độ, chính sách đối với người học nghề, giảng viên dạy nghề, chính sách đối với cơ sở dạy nghề được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện không ngừng được nâng cao, theo kết quả điều tra đến cuối năm 2023 tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt trên 83%, qua đào tạo có chứng chỉ đạt 35%, lao động sau khi học nghề được các doanh nghiệp tuyển dụng hoặc làm các công việc mới có thu nhập cao hơn. Trong đó, có trên 80% lao động sau đào tạo có việc làm, tăng thu nhập.

Công tác phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao được quan tâm đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phát triển các làng nghề; tăng cường xã hội hóa công tác dạy nghề, tạo thêm nhiều việc làm mới, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao năng suất lao động.

Công tác dạy nghề trong 10 năm qua cơ bản đáp ứng được nhu cầu lao động nông thôn, học viên sau khi học nghề có việc làm và thu nhập ổn định góp phần tích cực vào xây dựng huyện Yên Khánh đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.

Bài, ảnh: Bùi Diệu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/yen-khanh-nhieu-giai-phap-nang-cao-ky-nang-nghe-cho-lao-dong/d20240828161624166.htm