Yên Lập phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số

PTĐT - Huyện Yên Lập hiện có 17 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tới 75% dân số. Nhiều năm trước đây, công tác phát triển Đảng ở Yên Lập gặp nhiều khó khăn. Một số thôn, bản chưa có tổ chức Đảng, số chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên chiếm tỷ lệ cao.

Chi bộ khu 1 - xã Nga Hoàng với 100% đảng viên là người DTTS thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Chi bộ khu 1 - xã Nga Hoàng với 100% đảng viên là người DTTS thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Trước thực tế đó, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định, công tác củng cố tổ chức Đảng, kết nạp đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có chi bộ và đảng viên là một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ban Thường vụ Huyện ủy giao chỉ tiêu tạo nguồn, yêu cầu các cơ sở Đảng rà soát các đối tượng, phân công đảng viên, cấp ủy viên phụ trách quần chúng và phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chọn lựa quần chúng tiêu biểu đi học tìm hiểu về Đảng. Tất cả các Đảng bộ trực thuộc đều lấy việc kết nạp đảng viên làm tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng hằng năm. Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng ngay tại trung tâm các xã để tạo nguồn phát triển Đảng. Các tổ chức đoàn thể cũng lựa chọn hạt nhân ưu tú trong lực lượng nông dân, giáo viên, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Khu Châu Đá, xã Trung Sơn thành lập được chi bộ cũng chính từ kết quả nỗ lực của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Lập trong lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành mục tiêu 100% khu dân cư có chi bộ độc lập.

Nhiệm kỳ 2015-2020, bình quân hàng năm Đảng bộ kết nạp được 180 đảng viên (mục tiêu Nghị quyết là 150 đảng viên/năm), trong đó đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 70%, có nơi hơn 80%. Chất lượng đảng viên được nâng lên, tỷ lệ đảng viên nữ, đảng viên trẻ là người dân tộc thiểu số tăng đáng kể so với nhiệm kỳ trước. Các đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số đã gương mẫu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tích cực vận động nhân dân, gia đình phát huy lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế đồi rừng, mở rộng diện tích cây mũi nhọn như cây chè, cây nguyên liệu giấy, cây quế, bồ đề, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Việc đổi thay nếp nghĩ, cách làm đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, có hộ đạt mức thu từ vài chục triệu đến hơn trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, do điều kiện các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế chưa phát triển, nhận thức của người dân còn hạn chế dẫn tới công tác phát triển Đảng hằng năm gặp khó khăn. Ông Trần Văn Phương- Bí thư Đảng bộ xã Lương Sơn cho biết: “Xã hiện có 24 chi bộ với 280 đảng viên, trong đó có 19 chi bộ khu dân cư; 85% đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số. Địa bàn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức của người dân chưa thật đầy đủ, cùng với việc thanh niên đi làm ăn xa gây khó khăn lớn cho nguồn phát triển Đảng của địa phương; vì thế có những chi bộ 4 - 5 năm không kết nạp được đảng viên như: Phú Sơn, Tam Giao…”.Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bùi Hồng Hoàng khẳng định: Để nâng cao nhận thức chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng, nhất là đối với quần chúng là người dân tộc thiểu số, Huyện ủy Yên Lập thực hiện phân công cán bộ có kinh nghiệm thường xuyên bám sát, giúp đỡ cơ sở, đặc biệt là những cơ sở khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, chi bộ còn ít đảng viên. Thực hiện giao chỉ tiêu phát triển Đảng hàng năm cho các chi, Đảng bộ trực thuộc gắn với mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên các chi bộ. Bên cạnh việc “tạo nguồn” từ đoàn viên thanh niên, các chi bộ cũng chuyển hướng sang giao chỉ tiêu kết nạp Đảng cho Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB. Cách làm này giúp việc kết nạp đảng viên mới không chỉ tập trung vào đối tượng đoàn viên thanh niên mà có cả nông dân, công nhân, cựu chiến binh.

Hiện Huyện ủy đặc biệt chăm lo, củng cố và phát triển đảng viên ở các chi bộ có nhiều đảng viên cao tuổi, độ tuổi trung bình của đảng viên trong chi bộ cao hoặc chi bộ ít đảng viên để tránh nguy cơ “tái trắng”. Bà Nguyễn Thị Thanh - Bí thư chi bộ Xuân Tân, xã Lương Sơn chia sẻ: “Chi bộ hiện có 18 đảng viên, 2/3 đảng số là người Mường, Tày. Để phát triển nguồn đảng viên, Chi ủy đã chỉ đạo các hội, đoàn thể bồi dưỡng quần chúng để lựa chọn những nhân tố ưu tú giới thiệu kết nạp Đảng. Nhờ vậy, nhiệm kỳ vừa qua, chi bộ đã kết nạp được 4 đảng viên là hội viên của chi hội nông dân, phụ nữ”.Song song với đó, để phát triển nguồn đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ khu dân cư nhằm nâng cao tỷ lệ trưởng khu, trưởng các đoàn thể khu là đảng viên. Các đoàn thể cũng tạo điều kiện để thanh niên lập nghiệp tại địa phương thông qua các chương trình vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, qua đó phát hiện những nhân tố điển hình tiên tiến để bồi dưỡng kết nạp đảng viên.

Việt Hà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202007/yen-lap-phat-trien-dang-vien-la-nguoi-dan-toc-thieu-so-172166