Yên Mô: Hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa
Những năm gần đây, huyện Yên Mô đã tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương, phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác.
Nhắc đến xã Yên Thắng người ta nhắc đến thương hiệu rau má hữu cơ Vân Trà bởi những năm gần đây người dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng cây rau má cho hiệu quả kinh tế cao.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Xuân Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Vân Trà cho biết: Để làm quen với cây trồng mới này, HTX đã phải kết hợp với ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân quy trình trồng rau má bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo đó, các thành viên được hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, cải thiện và ứng dụng một số phương pháp phù hợp quá trình canh tác. Tiêu biểu nhất là việc làm quen với quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón an toàn. Mọi hoạt động bón phân hay phun thuốc đều bảo đảm theo nguyên tắc "đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách".
Bên cạnh đó, nhằm đổi mới phương thức sản xuất và tận dụng quỹ đất nông nghiệp, HTX đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi hơn 4 ha đất trồng cây rau màu kém hiệu quả sang trồng cây rau má và bước đầu đã đem lại hiệu quả cao, từ diện tích trồng thử nghiệm đã giúp mỗi hộ gia đình có thu nhập từ 100 triệu đồng, có hộ diện tích lớn cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/năm. So với trồng cây rau màu, thu nhập từ cây rau má tăng gấp nhiều lần. Đây chỉ là một trong nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa trên 1 diện tích canh tác trên địa bàn huyện Yên Mô đã thực hiện thời gian qua.
Từ những mô hình chuyển đổi đã đem lại thu nhập khá cho người nông dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Còn nhớ, khi tái lập huyện (năm 1994), Yên Mô là huyện thuần nông, cơ sở vật chất phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là hệ thống thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu cho sản xuất. Với quyết tâm tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện đã ban hành và thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, chính sách có tính đột phá nhằm phát triển mạnh mẽ nông nghiệp như: dồn điền, đổi thửa gắn với tổ chức lại đồng ruộng, quy hoạch vùng sản xuất tập trung; mở rộng diện tích lúa chất lượng cao; tập trung đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT; phát triển các mô hình hợp tác, liên kết "4 nhà". Các chính sách, giải pháp trên không chỉ tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh mẽ mà điều quan trọng là đã làm thay đổi tập quán canh tác, tư duy sản xuất và hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Từ lối sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nay đã chuyển sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn.
Đến nay, toàn huyện có 313,6 ha diện tích cây trồng thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp; chuyển đổi hơn 900 ha trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại, gia trại; trên 70% diện tích gieo cấy bằng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản. Năng suất lúa không ngừng tăng lên, bình quân cả năm đạt trên 130 tạ/ha, cao hơn gần 2 lần so với năm 1994; sản lượng lương thực có hạt đạt 81,9 nghìn tấn, tăng trên 40.000 tấn. Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác năm 2021 đạt 139 triệu đồng, tăng gần 6 lần so với năm đầu tái lập huyện.
Các xã Yên Thái, Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Phong đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tổ chức canh tác luân canh 4 vụ/năm các cây màu có giá trị kinh tế cao với quy mô 80 ha cho giá trị thu hoạch 300 - 350 triệu đồng/ha. Huyện cũng tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mở rộng các vùng sản xuất rau quả hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn sinh thái với quy mô 145 ha ở các xã Yên Hòa, Yên Từ, Khánh Dương, Mai Sơn. Sản xuất vụ đông tiếp tục được tập trung chỉ đạo theo hướng đảm bảo ăn chắc, hiệu quả. Cơ giới hóa trong nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi, đến nay 100% diện tích đất được làm bằng máy, các trang trại, gia trại trang bị các máy chuyên dụng, trên 90% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bài, ảnh: Hồng Nhung - Anh Tuấn