Yên Mô nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích
Yên Mô là địa phương có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn, giữ gìn và phát triển cho đến ngày nay. Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích luôn được huyện quan tâm, phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội.
Xã Yên Từ (Yên Mô) có nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh như: miếu Quảng Từ, đình làng Nộn Khê, đền làng Phúc Lại…Trong đó, lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê tuy là lễ hội làng nhưng hàng năm thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự hội, là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo được người dân địa phương gìn giữ và phát huy.
Đồng chí Bùi Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Từ cho biết: Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. Các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xã được quản lý, tu bổ, tôn tạo đảm bảo theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, các quy định pháp luật hiện hành. Qua đó, đảm bảo phục vụ thiết thực đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xã.
Cùng với việc đầu tư của Nhà nước, xã cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa việc tu bổ, tôn tạo di tích. Ngoài kinh phí nhà nước cấp, Ban quản lý các di tích còn huy động xã hội hóa các nguồn lực từ con em quê hương.
Bên cạnh đó, việc tổ chức lễ hội ở các di tích hàng năm diễn ra đảm bảo theo đúng nghi lễ quy định, phù hợp với phong tục tập quán địa phương, tạo không khí sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân và khách thập phương về chiêm bái, tham quan lễ hội.
Việc quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của người dân mà còn trở thành địa điểm để người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái. Qua đó tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Yên Mô là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, là cái nôi của phong trào cách mạng. Hiện nay, trên địa bàn huyện còn bảo tồn, lưu giữ và phát triển nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Toàn huyện có 71 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 11 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 60 di tích lịch sử cấp tỉnh; có trên 60 lễ hội dân gian được tổ chức hàng năm, lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo riêng của Yên Mô như: Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê, Lễ hội bánh trôi, bánh dầy Đền Lục Giáp, Hội Vật đền Đức Thánh Nguyễn làng Bồ Vi, Bình Hải…
Quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa được các cấp, các ngành trong huyện quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Yên Mô được số hóa, tạo điều kiện cho du khách tiếp cận thông tin về di tích thông qua ứng dụng du lịch thông minh. Ảnh: CTV
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Bính, Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Yên Mô: Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích đã được huyện Yên Mô quan tâm thực hiện hiệu quả. Huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tích cực tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống quê hương, đầu tư, tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện.
Tổ chức truyền thông, triển khai có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, huyện về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị di sản và di tích, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích trên địa bàn.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, đến nay, các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện đã thành lập được Ban quản lý di tích, xây dựng được Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý di tích phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương, đơn vị.
Công tác trùng tu, nâng cấp các di tích xếp hạng cũng được quan tâm thực hiện. Các di tích lịch sử, văn hóa hàng năm được trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp bằng nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ và nguồn xã hội hóa.
Từ năm 2021 đến nay có 13 di tích lịch sử văn hóa được hỗ trợ trùng tu, tôn tạo với tổng số tiền trên 5,1 tỷ đồng. Đặc biệt, Di tích Nhà tưởng niệm đồng chí Tạ Uyên, Cố Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ được đầu tư xây mới với kinh phí trên 6 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện còn có hàng trăm đình, chùa, nhà thờ, miếu phủ được tôn tạo, tu bổ, phục vụ hoạt động văn hóa tâm linh, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
Trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức tổng kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn toàn huyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 71 di tích (trong đó có 11 di tích lịch sử cấp quốc gia, 60 di tích cấp tỉnh); huyện có 66 lễ hội truyền thống văn hóa tâm linh được tổ chức hàng năm.
Các lễ hội thường được tổ chức vào mùa xuân chủ yếu gắn với di tích và các cơ sở tín ngưỡng nhằm tưởng nhớ, tôn vinh, tri ân công lao của các vị thánh thần, của các bậc tiền nhân có công với dân, với nước. Các lễ hội được tổ chức có quy mô, trang trọng về phần lễ, văn minh phần hội nhưng vẫn đảm bảo tính linh thiêng, truyền thống. Các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian như thi đấu cờ người, kéo co... được tổ chức đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân. Cơ bản các lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, phù hợp với phong tục tập quán địa phương, không có tình trạng chèo kéo, trục lợi, biến tướng phức tạp.
Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện được tăng cường đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích, tạo sự chuyển biến tích cực về việc xây dựng và phát triển nền văn hóa trong thời kỳ mới, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.