Yên Phong, vùng sản xuất lúa hữu cơ theo TCVN đầu tiên của Bắc Kạn
BBK -Tháng 6 vừa qua, Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong (Chợ Đồn) được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Đây được xem như giấy thông hành quan trọng mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nông nghiệp hàng hóa địa phương.
Địa phương, các ngành cùng vào cuộc
Là địa phương có nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, kinh nghiệm sản xuất, năm 2022, xã Yên Phong đã được Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn lựa chọn là vùng thí điểm sản xuất lúa hữu cơ.
Từ nguồn kinh phí của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa, năm đầu tiên thực hiện, toàn xã có 90 hộ tham gia với diện tích 17,2ha, sử dụng giống lúa J02 trong vụ xuân và giống Bao thai vào vụ mùa.
Quá trình triển khai, Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng đã phối hợp với UBND xã tiến hành khảo sát, lựa chọn, địa điểm thực hiện mô hình, trực tiếp cầm tay chỉ việc, chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ vào 03 giai đoạn chính của cây lúa; kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Hướng dẫn ghi chép, sổ nhật ký sản xuất, lưu trữ hồ sơ, phục vụ cho đánh giá cấp chứng nhận hữu cơ của những năm sau.
Với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chuyên môn, người dân từng bước làm quen và nắm bắt được các quy trình về kỹ thuật sản xuất lúa theo chuẩn hữu cơ, góp phần vào thành công của mô hình.
Năm 2022, năng suất lúa sản xuất theo chuẩn hữu cơ đạt trung bình 50-55 tạ/ha, nhiều hộ làm tốt năng suất đạt 60 tạ/ha. Toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch đều có doanh nghiệp bao tiêu với giá tại chỗ là 7.000 đồng/kg thóc tươi.
Triển vọng từ mô hình, xã Yên Phong đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong. Vụ xuân năm 2023, tuy không còn sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng nhiều hộ tại đây vẫn tự bỏ tiền đầu tư mua giống, phân bón với diện tích lên đến hàng chục héc-ta.
Chị Hoàng Thị Chinh, thôn Phiêng Quắc tham gia trồng lúa hữu cơ từ năm 2022 chia sẻ: “Trồng lúa hữu cơ so với canh tác lúa truyền thống có sự khác biệt, đó là không được sử dụng thuốc hóa học, chỉ dùng phân bón hữu cơ, một số khâu buộc áp dụng phương pháp thủ công như làm cỏ, bắt ốc bươu vàng. Canh tác theo cách này, đất có độ tơi xốp, sau thu hoạch hạt lúa mẩy, đều, bán ra được giá cao”. Gia đình chị Oanh cấy 2.000m2, cho thu hoạch từ 1,5 -1,6 tấn thóc/năm, vụ xuân năm nay, chị bán ra 04 tạ thóc khô với giá 10.000 đồng/kg.
Là cán bộ trực tiếp xây dựng, chỉ đạo, thực hiện mô hình, bà Phạm Thị Thu, Trưởng phòng Quản lý, Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: “Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng sạch, an toàn, bền vững, đơn vị phối hợp với xã Yên Phong đã lựa chọn được vùng sản xuất lúa hữu cơ tập trung, không chỉ chuyển giao về kỹ thuật, chúng tôi còn phối hợp hướng dẫn bà con quy trình, thủ tục công nhận đạt chuẩn hữu cơ”.
Duy trì bền vững diện tích trồng lúa hữu cơ
Sau nhiều nỗ lực, tháng 6 năm nay Công ty Cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO đã cấp giấy chứng nhận cho Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong đạt tiêu chuẩn hữu cơ, quy mô 8,26ha cho 47 hộ ở các thôn Phiêng Quắc, Pác Toong, Pác Là. Đây là địa phương có sản phẩm lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11041-2:2017: Trồng trọt hữu cơ) đầu tiên tại tỉnh Bắc Kạn.
Ông Nông Triệu Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phong phấn khởi cho biết: “Với niềm vui trên, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các hộ duy trì tốt diện tích, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, tiếp tục hoàn thiện mẫu mã bao bì nhằm đưa gạo Yên Phong thành sản phẩm OCOP”.
Từ kết quả nổi bật đó, có thể khẳng định việc sản xuất lúa hữu cơ đã mở ra nhiều cơ hội trong hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đây sẽ là tiền đề để tỉnh Bắc Kạn tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ ra các địa phương khác, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030./.