Yên Sơn xây dựng nhãn hiệu hàng hóa gắn với phát triển du lịch

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Sơn lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định, tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nhãn hiệu hàng hóa gắn với phát triển du lịch. Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết đề ra, huyện đã đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa gắn với phát triển du lịch. Từ đó, góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm nông sản địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn.

Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, đến nay huyện đã có 17 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và là huyện có số lượng nhãn hiệu hàng hóa được đăng ký lớn nhất tỉnh 17/42 sản phẩm. Các nhãn hiệu tiêu biểu như: Chè Bát Tiên, chè xanh Tháng 10, gà chất lượng cao xã Mỹ Bằng; miến dong Hợp Thành, xã Lực Hành; miến dong Hảo Hán, xã Nhữ Hán; gạo chất lượng cao Kim Phú; rượu men lá Tiến Huy, xã Hùng Lợi; bưởi đặc sản Phúc Ninh; chè xanh Ngọc Thúy, nước khoáng Mỹ Lâm, xã Phú Lâm; bưởi Soi Hà, xã Xuân Vân…

Sản phẩm bưởi Soi Hà, xã Xuân Vân được giới thiệu tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Hội chợ thương mại và Đêm hội Trung thu huyện Yên Sơn năm 2019.

Sản phẩm bưởi Soi Hà, xã Xuân Vân được giới thiệu tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Hội chợ thương mại và Đêm hội Trung thu huyện Yên Sơn năm 2019.

Việc tập trung đăng ký nhãn hiệu đã giúp nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản của địa phương. Sản phẩm chè Bát Tiên của HTX nông nghiệp Mỹ Bằng huyện Yên Sơn là một trong những ví dụ điển hình. Trước khi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, HTX thu mua chè chế biến thủ công của người dân chỉ bán được với giá trung bình hơn 90.000 đồng/kg chè khô. Nhưng từ năm 2013, khi sản phẩm được công nhận nhãn hiệu, giá trị sản phẩm đã tăng cao. Theo khảo sát thị trường, hiện chè Bát Tiên loại đặc biệt được bán với giá 1,3 triệu đồng/kg, loại 1 được bán với giá 500.000 đồng/kg và loại 2 là 300.000 đồng/kg.

Để quảng bá và đưa những sản phẩm tiêu biểu ra thị trường, huyện đã tích cực tham gia các Hội chợ Thương mại - Du lịch ở các cấp. Hiện nay, huyện còn phối hợp với các Công ty lữ hành mở tua, tuyến đưa du khách tham quan tới các làng nghề, vùng trọng điểm cây ăn quả. Qua đây du khách hiểu thêm về quy trình sản xuất an toàn, nhà vườn có thể giới thiệu và bán sản phẩm cho du khách. Bên cạnh đó, một số địa phương trong huyện mở gian hàng giới thiệu sản phẩm như: HTX gạo Kim Phú mở gian hàng tại TP Tuyên Quang và TP Hà Nội.

Anh Dương Đình Nhất, thôn 9, xã Kim Phú bày tỏ, sản xuất gạo đặc sản giá trị cao hơn so với gạo bình thường. Trung bình 1 kg gạo đặc sản được HTX bán ra 20 nghìn đồng/kg. Nếu như năm 2015, toàn xã chỉ gieo cấy trên 100 ha lúa chất lượng cao, với gần 1.000 hộ nông dân tham gia, thì đến vụ mùa năm 2019 toàn xã đã gieo cấy trên 200 ha lúa chất lượng cao ở hầu hết các thôn, với gần 2.000 hộ nông dân tham gia. Tuy năng suất chỉ đạt hơn 2 tạ/sào, nhưng giá trị đạt cao hơn so với sản xuất lúa thường, đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Hải, khách du lịch Hà Nội nói, bưởi Soi Hà, xã Xuân Vân rất ngon, vị ngọt vừa phải, thích hợp để làm quà cho bạn bè, người thân khi đi công tác hay đi du lịch về. Đặc biệt đây là loại quả an toàn khi sử dụng và rất tốt cho sức khỏe. Vì vậy, trong dịp Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 vừa qua, bà đã tìm đến gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản của huyện Yên Sơn để mua bưởi Soi Hà về làm quà cho người thân.

Nhờ có hướng đi đúng, gắn xây dựng nhãn hiệu hàng hóa với phát triển du lịch, năm 2018 huyện Yên Sơn đã đón 280 nghìn lượt khách, doanh thu xã hội đạt trên 200 tỷ đồng. Riêng 8 tháng năm 2019, toàn huyện đón 220 nghìn lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt trên 200 tỷ đồng. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, góp phần tạo ra các sản phẩm phong phú, đa dạng phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/yen-son-xay-dung-nhan-hieu-hang-hoa-gan-voi-phat-trien-du-lich-123157.html