Yên tâm chữa bệnh khi có thẻ BHYT

Bệnh tật là điều không ai mong muốn, nhưng khi xảy ra, việc có sự hỗ trợ từ bảo hiểm y tế (BHYT) vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với những người mắc phải các vấn đề về tim mạch.

Tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Ða khoa tỉnh, từ khi được chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) vào năm 2020, với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, khoa đã đáp ứng được nhu cầu cấp cứu và điều trị của bệnh nhân không chỉ trong tỉnh Cà Mau mà còn ở các tỉnh lân cận. Hằng ngày, khoa tiếp nhận và điều trị từ 120-140 bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch, giúp bệnh nhân giảm chi phí do không phải chuyển lên tuyến trên.

Quê ở huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, sau mấy ngày nhập viện điều trị tại Khoa Nội tim mạch, đến nay sức khỏe ông Hồ Văn Lập đã ổn định. Ông Lập chia sẻ: "Nhờ có BHYT nên khi tôi chuyển viện đến Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau điều trị không tốn nhiều chi phí. Các y, bác sĩ ở đây nhiệt tình nên tôi rất yên tâm".

Ông Hồ Văn Lập đang điều trị bệnh tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau.

Ông Hồ Văn Lập đang điều trị bệnh tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau.

Sau mấy ngày nằm viện, phẫu thuật, đến nay ông Nguyễn Văn Luông, 81 tuổi, ngụ ấp Bào Kè, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Ðầm Dơi, đã khỏe, chỉ vài ngày nữa là có thể xuất viện. Trước đó, khi thấy ông bị mệt, gia đình đã kịp thời đưa ông đến Bệnh viện Ða khoa tỉnh điều trị. Ông Nguyễn Văn Chẵn, con ông Luông, cho biết: "Nhờ được cấp cứu kịp thời, sau phẫu thuật vài ngày là sức khỏe cha tôi đã ổn định trở lại. Nhờ sống ở vùng được Nhà nước hỗ trợ BHYT nên không tốn nhiều chi phí điều trị".

Hiện Khoa Nội tim mạch phụ trách khám và điều trị ngoại, nội trú bệnh lý tim mạch; khám hồi sức bệnh nhân tim mạch nặng; cấp cứu, chụp và can thiệp mạch vành những trường hợp nhồi máu cơ tim cấp; đặt máy tạo nhịp tạm thời cho những bệnh nhân rối loạn nhịp chậm có nhiều biến động...

Ðội ngũ y, bác sĩ Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau đang phẫu thuật cho bệnh nhân.

Ðội ngũ y, bác sĩ Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau đang phẫu thuật cho bệnh nhân.

Bác sĩ Lê Quang Tuấn, Phó trưởng khoa Nội tim mạch, cho biết, bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch phải điều trị suốt đời và thường sử dụng rất nhiều thuốc. Như bệnh nhân suy tim có đái tháo đường thì sử dụng trung bình 6, 7 loại thuốc duy trì mỗi ngày, nên chi phí điều trị cao. Bệnh nhân có can thiệp mạch vành thì chi phí chụp và can thiệp mạch vành khoảng 65-70 triệu đồng. Nếu có BHYT thì bệnh nhân chỉ còn chi trả từ 5-30 triệu đồng. Vì thế, nếu không có BHYT là gánh nặng chi phí mà nhiều gia đình không đảm đương được.

Ðã qua, có trường hợp bệnh nhân khi vào viện với tình trạng bệnh nặng, nhưng không có BHYT và không có khả năng chi trả, khi đó bệnh viện không thể ngừng điều trị, vẫn phải tiến hành những thủ thuật chuyên môn để điều trị cho bệnh nhân. Những chi phí này là gánh nặng cho bệnh viện. Từ khi thành lập đến nay, Khoa Nội tim mạch đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ trên 100 ca bệnh không có BHYT, với tổng chi phí vận động trên 5 tỷ đồng.

Từ thực tế điều trị, Bác sĩ Tuấn chia sẻ: "BHYT rất quan trọng, giúp người bệnh chi trả chi phí điều trị, đặc biệt là chi phí điều trị kỹ thuật cao. Những trường hợp bệnh nặng, nếu không có BHYT, thì nhiều gia đình không có khả năng chi trả. Ngoài ra, nếu mua BHYT mà không có bệnh thì coi như đóng góp một phần phúc lợi cho xã hội để giúp những người bệnh khác. Vì vậy, BHYT nên được khuyến khích để mọi người cùng tham gia".

Các bệnh lý về tim mạch hiện đang là nhóm bệnh có chi phí cao trong mô hình bệnh tật tại Việt Nam. Hầu hết các danh mục kỹ thuật cao đều đã được BHYT thanh toán. So với mặt bằng thu nhập chung của người dân thì các chi phí này vẫn khá cao, vì vậy, thẻ BHYT sẽ giúp người bệnh giảm bớt gánh nặng viện phí, yên tâm điều trị bệnh./.

Phúc Duy - Trầm Nghĩ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/yen-tam-chua-benh-khi-co-the-bhyt-a32802.html