Yên Thế (Bắc Giang): Đưa dân thoát nghèo từ Chương trình MTQG

UBND huyện Yên Thế vừa ban hành văn bản số 3837/QĐ-UBND về phê duyệt mức hỗ trợ đất ở, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán thuộc Dự án 1 Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).

UBND huyện Yên Thế phê duyệt hỗ trợ đất ở đối với 1 hộ dân (kinh phí 44 triệu đồng; Trong đó: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng, Ngân sách tỉnh hỗ trợ 4 triệu đồng). Phê duyệt hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 163 hộ (tổng kinh phí 489 triệu đồng; mức hỗ trợ tối đa là 3 triệu đồng/hộ). Các hộ được hỗ trợ nhận lu, bồn, téc, vật dụng chứa nước, vật dụng dẫn nước; tự làm bể chứa nước; tự đào giếng hoặc tự tạo nguồn nước khác. Hỗ trợ 97 hộ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất (tổng kinh phí 970 triệu đồng; mức hỗ trợ tối đa:10 triệu đồng tiền mặt/hộ).

Yên Thế đang tập trung đẩy mạnh Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Yên Thế đang tập trung đẩy mạnh Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Từng bước đưa đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Thời gian qua, nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, huyện Yên Thế đã thực hiện các chính sách dân tộc, triển khai đồng bộ, kịp thời đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Là địa bàn huyện miền núi, với tỷ lệ chiếm khoảng 33% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số có mức sống thấp, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn. Huyện Yên Thế đã giải quyết cơ bản những khó khăn về đời sống, sản xuất, đặc biệt là việc giảm hộ nghèo nhanh và bền vững. Qua đó, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh giai đoạn 2021-2025.

Cho đến nay tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm của huyện giảm trên 2,5%; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi bình quân giảm 2,5-3%/năm. Trong đó, xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 2,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với giai đoạn 2016-2020; 100% xã có đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học tại các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; 100% người DTTS trong độ tuổi 15 đến hết tuổi lao động biết chữ.

Các trục đường liên thôn đã được bê tông hóa. Ảnh: bacgiang.gov.vn

Các trục đường liên thôn đã được bê tông hóa. Ảnh: bacgiang.gov.vn

Ngoài ra, trục đường liên xã đã được nhựa hóa, và trên 90% đường trục thôn đã bê tông hóa đạt chuẩn kỹ thuật; các công trình thủy lợi được đầu tư đảm bảo tưới tiêu thuận lợi cho 90% diện tích trồng lúa nước hàng năm thuộc các xã, thôn; duy trì 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia;…

Luôn đặt ra kế hoạch để thực hiện hiệu quả các mục tiêu chương trình

Để thực hiện những mục tiêu này, thời gian vừa quanYên Thế đã và đang triển khai thực hiện 10 dự án bao gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;

Làm giàu từ nuôi gà đồi Yên Thế. Ảnh: nong nghiep.vn

Làm giàu từ nuôi gà đồi Yên Thế. Ảnh: nong nghiep.vn

Từ năm 2022 cho đến nay, huyện đang tập trung đẩy mạnh cho dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, năm 2022 huyện đã hỗ trợ nhà ở cho 28 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 30 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 40 hộ, UBND huyện đã nghiệm thu; năm 2023 huyện Yên Thế đang nghiệm thu đối với nhà ở 03 hộ; chuyển đổi nghề 143 hộ; nước sinh hoạt phân tán 189 hộ. Ngoài ra, huyện còn quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết với tổng mức đầu tư: 19.146 triệu đồng. Chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh trồng rừng thâm canh; mở rộng diện tích trồng rừng thâm canh gỗ lớn tạo động lực để nhiều hộ nghèo có động lực vượt khó, vươn lên.

Ông Tô Quang Chung - Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện Chương trình đang thực hiện theo đúng kế hoạch. Năm 2023, huyện đã và đang triển khai thực hiện Dự án 1 (giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt); đang triển khai Dự án 3 về phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Thái Nhung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/yen-the-bac-giang-dua-dan-thoat-ngheo-tu-chuong-trinh-mtqg-5739262.html