Yên Vượng: Ứng dụng kinh tế số, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sảnTin khác'Tấm thẻ vàng' hỗ trợ học sinh, sinh viênĐể mọi trẻ em đều vui Tết Trung thu

Sau gần 2 tháng triển khai phát triển kinh tế số, nhiều xã trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã vào cuộc tích cực và triển khai thực hiện có hiệu quả, vượt chỉ tiêu đề ra về số hộ gia đình có cửa hàng số trên sàn thương mại điện tử posmart.vn của Bưu điện và voso.vn của Chi nhánh Bưu chính Viettel Lạng Sơn (Viettel Post), trong đó tiêu biểu là xã Yên Vượng.

Anh Quách Dương Duy, thôn Chục Quan là một trong những thành viên đi đầu trong chuyển đổi kinh tế số tại xã Yên Vượng và đã mang lại hiệu quả thiết thực cho gia đình trong vụ na năm nay.

 Nhân viên Viettel Post hướng dẫn chia sẻ thông tin trên sàn thương mại điện tử cho người dân xã Yên Vượng

Nhân viên Viettel Post hướng dẫn chia sẻ thông tin trên sàn thương mại điện tử cho người dân xã Yên Vượng

Anh Duy cho biết: Tôi biết đến cách bán hàng trên sàn thương mại điện tử qua mạng xã hội và cũng được các anh em, bạn bè ở huyện Chi Lăng chia sẻ ngay từ ngày đầu, tỉnh Lạng Sơn ra quân phát triển kinh tế số (ngày 20/7/2021 tại huyện Chi Lăng), ngay trong ngày hôm đó, tôi đã đăng ký mở cửa hàng số trên sàn thương mại Voso của Viettel Post và đưa sản phẩm na của gia đình lên bán tại sàn thương mại điện tử này. Tôi thấy khách hàng phản hồi rất thích với cách bán hàng này, bởi khách hàng được mua sản phẩm trực tiếp từ gốc, không phải qua trung gian nên rất yên tâm về chất lượng sản phẩm và biết được nguồn gốc của sản phẩm. Chỉ tính riêng vụ na năm nay, gia đình tôi đã tiêu thụ được khoảng 4 tấn na thông qua sàn giao dịch điện tử trên tổng số 7 tấn na được thu hoạch của gia đình.

Hay như gia đình chị Hoàng Minh Hương, thôn Sơn Đông, vụ na năm nay, gia đình gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ do dịch COVID -19 diễn biến phức tạp. Từ ngày 3/8/2021, được xã tuyên truyền, vận động và được nhân viên Viettel Post hướng dẫn, chị đã mở cửa hàng số trên sàn giao dịch thương mại điện tử, nhờ vậy mà việc tiêu thụ na của gia đình có nhiều thuận lợi hơn. Từ đầu vụ na đến nay, gia đình chị đã có gần 600 đơn đặt hàng và đã có trên 400 đơn hoàn thành với sản lượng na tiêu thụ trên 3 tấn, việc nhận tiền cũng được thuận tiện thông qua tài khoản thanh toán điện tử gia đình đã đăng ký.

Không chỉ riêng 2 hộ gia đình nói trên, đến thời điểm hiện nay, đã có nhiều hộ dân trên địa bàn xã Yên Vượng đăng ký cửa hàng số trên sàn thương mại điện tử.

Ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Vượng cho biết: Ngay khi nhận được các văn bản chỉ đạo của UBND huyện về thực hiện chương trình phát triển kinh tế số, UBND xã đã bắt tay ngay vào việc triển khai đến các hộ dân, đến nay, xã Yên Vượng đã có 512 hộ/tổng số 751 hộ gia đình của xã đã đăng ký mở cửa hàng số, đạt 68% và có 344 hộ đăng ký tài khoản thanh toán điện tử, đạt 46%, đồng thời, xã đã phối hợp với Bưu điện và Viettel Post huyện Hữu Lũng tổ chức 3 buổi tập huấn cho trên 200 người dân của 5/5 thôn. Thời gian tới, UBND xã tiếp tục tuyên truyền để bà con hiểu rõ hơn nữa về hiệu quả của phát triển kinh tế số, từ đó mở rộng thị trường không chỉ riêng mặt hàng na mà cả những mặt hàng nông sản của địa phương những năm tiếp theo.

Cùng với việc tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của chương trình kinh tế số thì chính quyền xã Yên Vượng cũng đang tuyên truyền các gia đình lựa chọn những sản phẩm nông sản khác như: bưởi, nhãn, hồng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng theo tiêu chuẩn, có đầy đủ thông tin sản phẩm để đăng bán trên sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân, giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế hiệu quả

HOÀNG CƯỜNG

THANH HUYỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/449699-yen-vuong-ung-dung-kinh-te-so-mo-rong-thi-truong-tieu-thu-nong-san.html