Yêu cầu 45 trường đại học dừng tuyển sinh cao đẳng: Không có căn cứ pháp lý
Việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gửi công văn yêu cầu 45 trường đại học (ĐH) dừng tuyển sinh trình độ cao đẳng (CĐ) đã bị nhiều trường phản ứng dữ dội, bởi không có cơ sở pháp lý.
Hiện nay các trường này đều đã gửi giấy báo trúng tuyển tới thí sinh trúng tuyển CĐ và bắt đầu nhập học.
Yêu cầu không hợp lý
Trong công văn gửi cho 45 trường ĐH đề nghị không tuyển sinh đào tạo trình độ CĐ, Tổng cục GDNN, Bộ LĐTB&XH lý giải: Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH được Quốc hội thông qua tháng 11/2018, các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH, bao gồm trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng việc dừng đào tạo CĐ trong các trường ĐH hiện nay xuất phát từ mấy lý do. Trường ĐH có sứ mạng đào tạo nhân lực trình độ cử nhân trở lên, vì vậy phải tập trung nguồn lực đào tạo tốt cho đội ngũ này. “Việc để cho các trường ĐH đào tạo trình độ CĐ dẫn tới phá vỡ quy hoạch mạng lưới đào tạo của các trường CĐ trong cùng địa bàn, khu vực” - ông Vinh nhấn mạnh.
Trước đây có thời kỳ Bộ GD&ĐT “mở cửa” cho các trường ĐH khi đào tạo trình độ cử nhân được quyền tuyển sinh CĐ. Nhưng bây giờ không phân biệt CĐ và CĐ nghề, đề nghị trường ĐH dừng tuyển sinh CĐ là hợp lý. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN Hoàng Ngọc Vinh thẳng thắn nhận xét, công văn của Tổng cục GDNN yêu cầu các trường ĐH dừng tuyển sinh CĐ từ ngày 1/7/2019 là khá đột ngột.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT lại có quan điểm, việc Tổng cục GDNN đề nghị 45 trường ĐH dừng tuyển sinh CĐ là hình thành nên hai hệ thống GDNN và giáo dục ĐH; cô lập các trường. Như vậy không tốt đối với các trường ĐH, người học và đất nước. Ông Khuyến cũng cho biết, hiện nay, xu hướng các nước, đa số trường ĐH đều có trình độ CĐ để người học có cơ hội học liên thông, trừ những trường ĐH mang tính hàn lâm.
Luật không quy định nhưng vẫn cấm
Chỉ cách đây không lâu, có trường ĐH đã nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN của Tổng cục GDNN. Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ 1/7/2019, nhưng đến ngày 23/7/2019 họ mới nhận được công văn của Tổng cục GDNN yêu cầu dừng tuyển sinh CĐ. Lãnh đạo một số trường ĐH cho biết, văn bản của Tổng cục GDNN có nhiều điểm không hợp lý và không đúng luật.
“Điều 1, Luật Giáo dục ĐH chỉ định nghĩa giáo dục ĐH bao gồm trình độ ĐH, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ. Trong văn bản luật này không có câu nào ghi trường ĐH không được phép đào tạo trình độ CĐ. Theo Điều 19 Luật GDNN, cơ sở giáo dục ĐH được phép đào tạo cả trình độ ĐH và thấp hơn nếu đủ điều kiện hoạt động” - TS Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội phản ứng.
TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, khi nhận được công văn đề nghị dừng tuyển sinh CĐ, nhà trường cũng hết sức băn khoăn và đang làm văn bản để gửi Tổng cục GDNN. Công tác tuyển sinh đã diễn ra từ đầu năm, đến giờ đã thu hồ sơ và gọi thí sinh nhập học, giờ phải dừng là không hợp lý và làm khó cho trường.
“Nhà trường đang hợp tác với Nhật Bản trong đào tạo một số nghề trình độ CĐ, giờ không tuyển sinh chúng tôi biết giải thích với họ ra sao?”.
TS Hoàng Xuân Hiệp cũng đưa ra tính đặc thù để trường ĐH đào tạo nghề trình độ CĐ. Nhất là khi hiện nay nguồn cung đào tạo nhân lực dệt may trên cả nước hiện tại (tính cả ĐH và CĐ) cũng chưa đáp ứng đủ 30% nhân lực cần thiết cho ngành.
Chiều 29/7, Tổng cục GDNN đã có Công văn số 1437/TCGDNN-PCTT, do Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Phí Mạnh Thắng ký, nêu rõ: Sau khi tiếp nhận ý kiến của một số trường ĐH, góp ý của cơ quan có liên quan, Tổng cục GDNN tiếp thu ý kiến và thống nhất để các trường ĐH tiếp tục chủ động kế hoạch tuyển sinh các ngành, nghề trình độ CĐ năm học 2019 – 2020 đã được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN.
Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Hồng Minh cho biết, sáng 29/7, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân đã họp và chỉ đạo rà soát căn cứ pháp lý đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp các văn bản pháp luật không xung đột nhau thì áp dụng nội dung có lợi cho người học và nhà trường.