Yêu cầu bắt buộc
Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Thông tư này áp dụng với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, đại học, trường cao đẳng sư phạm và các đơn vị giáo dục khác thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT và tổ chức cá nhân có liên quan; không áp dụng đối với nội dung được bảo vệ bí mật thông tin Nhà nước theo quy định pháp luật.
Không phải “bỗng dưng” vấn đề công khai trong hoạt động của cơ sở giáo dục lại được đặt ra. Mục đích là minh bạch các cam kết về chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng; thu, chi tài chính tại cơ sở giáo dục và thông tin khác liên quan của cơ sở giáo dục để cán bộ, giảng viên, giáo viên, người lao động, người học, gia đình, xã hội biết và tham gia giám sát. Công khai cũng là một trong những căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm và giải trình của cơ sở giáo dục.
Thực tế, quy định “ba công khai” theo hướng dẫn tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GD&ĐT vẫn có hiệu lực. Theo đó, các cơ sở giáo dục và đào tạo phải công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; công khai thu, chi tài chính.
Những năm qua, bên cạnh trường thực hiện tốt nguyên tắc “ba công khai” thì đâu đó còn đơn vị cố tình “lẩn tránh” hoặc công khai nửa vời. Nhiều phụ huynh, người học bức xúc khi muốn biết thu, chi tài chính của trường hoặc vấn đề liên quan đến chất lượng giáo dục, đào tạo nhưng không biết “tra cứu” ở đâu. Có trường thì ẩn sâu vào “tiểu mục” trên website khiến mọi người “đỏ mắt” tìm kiếm. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng đây là hình thức mà các trường đối phó với cơ quan quản lý Nhà nước?
Không bàn luận đúng, sai nhưng cần hiểu tường minh rằng, công khai, minh bạch là giải pháp hữu hiệu để các chủ trương, cơ chế, chính sách về giáo dục, đào tạo sớm đi vào thực tiễn; trên hết là tạo lòng tin, sự ủng hộ của phụ huynh, người học và xã hội. Giải pháp này được cho là hữu hiệu hơn so với việc thông tin, phổ biến trong hội trường, dù có hàng nghìn người tham dự.
Thực tế cho thấy, hầu hết cơ sở giáo dục, đào tạo làm tốt công tác xã hội hóa do minh bạch và công khai. Đó là kết quả xứng đáng cho tư duy, nhận thức và việc làm đúng. Bởi khi công khai, phụ huynh sẽ được biết, bàn, kiểm tra và người thụ hưởng không ai khác chính là học sinh, con em họ. Thế mới nói, công khai, minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp.
Theo đó, các cơ sở giáo dục, đào tạo cần công bố công khai nội dung Báo cáo thường niên theo quy định. Dự thảo thông tư có nêu, báo cáo này phải được công bố công khai trước ngày 30/6 hằng năm trên cơ sở số liệu tính đến ngày 31/12 năm trước. Đối với số liệu liên quan đến báo cáo tài chính năm trước thì tính đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán của cơ quan có thẩm quyền.
Thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục tối thiểu 5 năm kể từ ngày công bố. Thời gian niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục tối thiểu 90 ngày và sau khi niêm yết phải lưu giữ nội dung công khai để bảo đảm việc tiếp cận thông tin tối thiểu 5 năm kể từ ngày niêm yết công khai.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/yeu-cau-bat-buoc-post656492.html