Yêu cầu điều tra bổ sung vụ tham ô tài sản tại Cần Thơ

Hội đồng xét xử trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ tham ô tài sản xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ liên quan Công ty Việt Á.

Sau một ngày xét xử, sáng 17/7, Tòa án nhân dân (TAND) TP. Cần Thơ tuyên trả hồ sơ cho Viện kiểm sát (VKS) điều tra bổ sung vụ tham ô tài sản xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ liên quan Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á)

Các bị cáo bị đưa ra xét xử, gồm: Trần Tiến Lực (37 tuổi) - nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á; Phạm Ngọc Thùy (37 tuổi) và Đỗ Thị Yến Phương (34 tuổi) - cùng là nhân viên xét nghiệm của Khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, từ năm 2018 – 2021, Phạm Ngọc Thùy, Đỗ Thị Yến Phương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong quá trình xét nghiệm viêm gan B, C, lao, Geno type C; đã câu kết với Trần Tiến Lực đưa vào đơn hàng mua sắm của Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ số lượng kit, hóa chất xét nghiệm nhiều hơn số lượng cần sử dụng, số lượng nhiều hơn đó được giao bằng hàng khống là nước lọc.

Bệnh viện đã chi trả cho hàng khống với số tiền trên 1,9 tỷ đồng. Công ty Việt Á giữ lại hơn 672 triệu đồng, chi lại cho Phương, Thùy thông qua Lực gần 1,25 tỷ. Ba bị cáo đã chiếm đoạt 1,25 tỷ và gây thiệt hại cho bệnh viện hơn 672 triệu.

Phương, Thùy khai tổng số tiền nhận từ chuyển khoản và tiền mặt từ Lực là 800 triệu, cả 2 chia nhau mỗi người 400 triệu. Số tiền còn lại gần 450 triệu, Lực khai đã đưa hết cho Phương, Thùy nhưng hai nhân viên này không thừa nhận.

Sau khi bị khởi tố, Phương nộp 400 triệu, Thùy nộp 400 triệu cho cơ quan điều tra, Lực nộp 50 triệu, Công ty Việt Á nộp gần 1,5 tỷ để khắc phục toàn bộ hậu quả.

Tại phiên tòa, đại diện VKS nhận định, vì lòng tham, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao bị cáo Phương và Thùy đã cấu kết với bị cáo Lực đặt mua hàng khống tương đương với hàng thật để tham ô tài sản của bệnh viện.

Quá trình điều tra, các bị cáo có tình tiết giảm nhẹ như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhân thân tốt, các bị cáo đã tác động khắc phục hậu quả.

Xét tính chất mức độ hành vi, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phương và Thùy mức án từ 15-16 năm tù về tội tham ô tài sản. Cùng tội danh trên, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Lực 7-8 năm tù.

Tranh luận với VKS, luật sư bào chữa cho bị cáo Phương và Thùy cho rằng, bản luận tội của đại diện VKS mâu thuẫn với cáo trạng đã nêu và chưa làm rõ dòng tiền bị chiếm đoạt.

Cụ thể, cáo trạng cáo buộc Phương, Thùy và Lực chiếm đoạt gần 1,25 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại phần luận tội, đại diện VKS lại nhận định bị cáo Lực không có hưởng lợi, trong khi đó bị cáo Phương và Thùy suốt phiên tòa chỉ thừa nhận nhận tổng cộng 800 triệu đồng. Đồng thời, luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh đối với 2 bị cáo. Tuy nhiên, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm đã trình bày.

HĐXX đề nghị đại diện VKS đối đáp lại ý kiến luật sư yêu cầu làm rõ dòng tiền bị chiếm đoạt, tuy nhiên VKS không tranh luận mà đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ vấn đề này.

Sau đó, HĐXX trả hồ sơ yêu cầu điều tra làm rõ dòng tiền trong vụ án.

Nhật Huy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/yeu-cau-dieu-tra-bo-sung-vu-tham-o-tai-san-tai-can-tho-post1655633.tpo