Yêu cầu Đồng Nai giải quyết thỏa đáng khiếu nại khi giải phóng mặt bằng cho cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tỉnh Đồng Nai cần giải quyết thấu tình, đạt lý đối với khiếu nại của người dân. Ngoài ra, cần vận dụng những chính sách hiện có để người dân không bị thiệt thòi vì phải nhường đất ở, đất sản xuất.
Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dẫn đầu vừa đi kiểm tra hiện trường thi công và làm việc với tỉnh Đồng Nai về công tác bàn giao mặt bằng dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Tiếp và làm việc với đoàn, về phía UBND tỉnh Đồng Nai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức và đại diện các sở, ngành và địa phương liên quan.
Sau khi kiểm tra thực địa thi công và công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, ông Nguyễn Minh Sơn - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án của 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.
Riêng tỉnh Đồng Nai vừa phải thực hiện cùng một lúc công tác đền bù giải tỏa 5.000 ha đất phục vụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án đường cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây nên khối lượng công việc rất lớn. Đến nay đối với dự án đường cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây đã hoàn thành bàn giao mặt bằng trên 97,7% là điều rất đáng phấn khởi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng yêu cầu lãnh đạo địa phương, đơn vị liên quan phối hợp vận động các hộ dân còn lại sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công. Đề nghị tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh xây dựng các khu tái định cư để người dân an cư lạc nghiệp.
Đối với các hộ dân còn khiếu nại cần giải quyết thỏa đáng thấu tình, đạt lý vì quyền khiếu nại là quyền của người dân. Cần vận dụng những chính sách hiện có để người dân không bị thiệt thòi vì phải nhường đất ở, đất sản xuất. Khi các dự án cao tốc này hoàn thành đúng tiến độ thì địa phương cũng có sức bật mới, quy hoạch phát triển về đầu tư, phát triển đô thị...
Qua khảo sát các tuyến cao tốc đang triển khai nguồn cung cấp vật liệu thi công đang khan hiếm. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của địa phương. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật cũng cần sớm được tháo, gỡ. Đối với các công trình thuộc bộ, ngành Trung ương thì sau chuyến đi đoàn công tác sẽ tổng hợp và có ý kiến với các bộ, ngành lên quan để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thi công dự án.
Được biết, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài tuyến 99km, trong đó đoạn qua địa bàn Đồng Nai dài 51,5km đi qua 4 địa phương gồm các huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và TP.Long Khánh.
Để đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch, đảm bảo tiến độ dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã đề nghị 4 địa phương có đường cao tốc đi qua tăng cường vận động người dân nhận tiền đền bù, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đồng thời, các địa phương chủ động phối hợp với các sở, ngành để hoàn thành các thủ tục thực hiện di dời các công trình hạ tầng. Đặc biệt, đối với công tác tái định cư cho người dân, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án Thăng Long đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 khu tái định cư để sớm giao đất cho người dân ổn định cuộc sống.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, trước đây dự án, nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 hoàn thành giai đoạn 2014-2015 nhưng chỉ mới mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải quyết tâm phải làm bằng được đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây để giải tỏa ách tắc cho các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM.
Hiện nay, quy trình quy hoạch, cấp giấy phép các mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án mất rất nhiều thời gian. Trước mắt trong thời gian chờ cấp phép các mỏ mới, các mỏ đất, đá hiện có cần gia hạn và nâng năng suất khai thác để đáp ứng thi công.