Yêu cầu minh chứng đạo đức nhà giáo dễ dẫn tới hình thức, không thực chất
Nếu đặt ra tiêu chí đánh giá đạo đức thầy cô một cách cứng nhắc thì rất khó thực hiện và dễ dẫn tới tình trạng thực hiện đối phó, hình thức.
Theo Công văn số 3556/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo Chuẩn, năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu: Tiếp tục triển khai công tác đánh giá theo Chuẩn đối với giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đã đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 và nhập kết quả đánh giá lên hệ thống TEMIS (đối với giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông).
Bên cạnh việc minh chứng về chuyên môn nghiệp vụ, vấn đề khiến nhiều giáo viên băn khoăn là minh chứng về đạo đức nhà giáo. Nhiều giáo viên cho rằng, Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD và gợi ý minh chứng có thể sử dụng thay thế trên TEMIS còn mông lung, rối rắm.
Chia sẻ về vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, giá trị của mỗi người gồm hai yếu tố căn bản là đức và tài, dù ở bất cứ ở ngành nghề, lĩnh vực nào, đạo đức cũng có vai trò quan trọng.
Đặc biệt đối với nhà giáo, mỗi người thầy phải là một tấm gương sáng về đạo đức để học sinh noi theo. Chính vì vậy, từ góc nhìn của nhà quản lý, có thể hiểu được lý do vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tiêu chuẩn đạo đức và những tiêu chí đánh giá, với mong muốn thầy cô hướng đến những chuẩn mực đạo đức nhà giáo. Hơn nữa, đạo đức là một khái niệm trừu tượng, nên nhà quản lý muốn cụ thể hóa bằng các tiêu chí.
Song, cũng chính vì đạo đức là khái niệm trừu tượng, nên theo yêu cầu Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD và gợi ý minh chứng có thể sử dụng thay thế trên TEMIS là không dễ thực hiện đối với các cơ sở giáo dục.
“Việc minh chứng đạo đức nhà giáo thực tế ở các cơ sở giáo dục theo quy định sẽ rất khó, nếu bắt buộc thầy cô làm thì dễ dẫn tới thực hiện đối phó, hình thức; khó tạo nên giá trị thực chất mong muốn, và minh chứng như vậy sẽ không còn ý nghĩa.
Bên cạnh đó, việc đánh giá, minh chứng thực hiện vào cuối kỳ, cuối năm, buộc thầy cô phải lục lại tìm những minh chứng đó cũng là một khó khăn”, thầy Mạnh nêu quan điểm.
Nên đánh giá đạo đức nhà giáo một cách thực chất, minh bạch
Bàn về giải pháp cho vấn đề này, Thầy Đào Chí Mạnh cho rằng, nên lược bỏ một số minh chứng vụn vặt, giảm bớt một số yêu cầu mang tính hình thức, như vậy vẫn đảm bảo thầy cô có thể phát huy, bồi dưỡng đạo đức nhà giáo một cách tốt nhất.
Đồng thời cần làm tốt công tác tuyên truyền với giáo viên, phụ huynh và đặc biệt các cấp quản lý ở cở sở để triển khai đánh giá đúng tinh thần, đồng bộ. Đặc biệt, chuẩn bị số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá giáo viên giúp thầy cô cập nhật ngay thông tin vào hệ thống, tránh để tình trạng cuối năm mới “lục tìm” những minh chứng là rất khó khăn.
Để việc đánh giá đạo đức nhà giáo đi vào thực chất thì cần bàn đến vai trò của cơ quan quản lý, lãnh đạo các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, trường học là nơi quyết định để việc đánh giá đạo đức nhà giáo không xảy ra tình trạng đối phó, hình thức, đồng thời giúp giáo viên có môi trường tốt để bồi dưỡng rèn luyện bản thân.
Lãnh đạo, quản lý cơ sở cần vận dụng những quy định một cách linh hoạt, làm sao để giữ tinh thần cốt lõi, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh đặc thù của đơn vị mình. Phải định hướng để qua hoạt động đánh giá, thầy cô thấy được giá trị của mình trong môi trường sư phạm, phân loại giáo viên mỗi dịp tổng kết, đánh giá để giáo viên có động lực chứ không phải gây áp lực.
Thực tế hiện nay, các giáo viên cũng rất áp lực với nhiều đầu công việc khác nhau, nếu không có kế hoạch và phân bổ thời gian, năng lực một cách hợp lý thì sẽ dễ gây gia tăng áp lực cho các thầy cô. Muốn làm tốt thì đánh giá phải tạo động lực, phải để giáo viên gắn với giá trị của mình thông qua đánh giá.
“Người đứng đầu cơ sở giáo dục cũng phải chắt lọc thông tin trong văn bản để cụ thể hóa ở đơn vị mình sao cho hợp lý, cần có kế hoạch từ đầu năm, giúp giáo viên có định hướng phấn đấu rõ ràng, và như thế tác dụng phòng ngừa vi phạm sẽ được phát huy tốt hơn là để xảy ra vi phạm rồi mới răn đe, xử lý.
Một vấn đề nữa cần phải quan tâm là minh bạch thông tin trong đánh giá giáo viên, để thầy cô thoải mái, hài lòng, tránh xảy ra những mâu thuẫn, tiêu cực trong môi trường giáo dục. Cần tránh đánh giá mang tính phán xét, đánh giá mang tính cá nhân một chiều. Muốn đánh giá công khai minh bạch thì cần nghiên cứu ứng dụng số hóa trong đánh giá, nhận xét giáo viên.
Người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, lãnh đạo nhà trường nên triển khai theo nguyên tắc: hướng dẫn, tạo điều kiện và tạo động lực để giáo viên thực hiện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp quản lý cũng nên có hướng dẫn chi tiết hơn để các cơ sở thực hiện đúng tinh thần nêu ra, làm sao để các giáo viên ở cơ sở và các cán bộ quản lý thấu hiểu, vận dụng linh hoạt, đạt kết quả cao”, thầy Mạnh khẳng định.
Phân hạng đạo đức dễ dẫn tới những cách hiểu sai lệch
Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Tiểu học - Trung học cơ sở -Trung học phổ thông Anh Quốc (UKA Bình Thạnh - Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng rất khó để thực hiện minh chứng đạo đức nhà giáo theo Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD.
Thầy Tiết nêu quan điểm: “Yêu cầu về minh chứng đạo đức và xếp hạng hiện nay dễ dẫn tới thực hiện hình thức và khiến giáo viên tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn.
Về việc phân loại đạo đức nhà giáo để xếp hạng cũng là một quy định chưa hợp lý. Đạo đức mang giá trị phổ quát, nên là 1 tiêu chuẩn chung, chứ không nên phân loại. Khi xếp hạng I, II, III dễ khiến nhiều người hiểu sai. Ví dụ hạng I, II, III dễ dẫn tới cách hiểu tương ứng với Trung bình, Khá, Tốt. Như vậy giáo viên hạng II, III làm sao có thể đánh giá hạnh kiểm học sinh".
Cũng theo Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết, trong môi trường giáo dục, đạo đức nhà giáo là vô cùng quan trọng.Tuy nhiên, với cách làm yêu cầu minh chứng và xếp hạng đạo đức thì vô tình chúng ta lại dạy giáo viên cách gian dối. Thay vì yêu cầu những minh chứng giấy tờ không cụ thể thì nên có những đánh giá công khai từ người học, phụ huynh, xã hội và nhà trường, trong đó quan trọng là đánh giá của người học.
Đối với Trường Tiểu học - Trung học cơ sở -Trung học phổ thông Anh Quốc, hằng năm, nhà trường đều lấy ý kiến người học về các nội dung liên quan đến giáo viên, từ đó ban giám hiệu sẽ có thêm những thông tin để làm căn cứ đánh giá.
Một số tiêu chí để người học đánh giá như: phương pháp dạy học; giao tiếp - tương tác; tác phong khi lên lớp; cung cấp nội dung kiến thức - mở rộng (chuẩn bị tài liệu giảng dạy, thiết bị, đồ dùng dạy học ...); sự quan tâm - hỗ trợ của thầy cô sau giờ học;....
Ví dụ học sinh đánh giá giáo viên A ăn mặc lôi thôi, giáo viên B chỉ dạy trong cuốn sách, không mở rộng thêm hoặc không có các tài liệu liên quan,... Từ những điều này, ban giám hiệu sẽ có thêm căn cứ để đánh giá thái độ, đạo đức nghề nghiệp của giáo viên.
Do đó, việc đánh giá nên đi vào thực chất, tránh đưa ra yêu cầu về những minh chứng thiếu rõ ràng, khó thực hiện.