Yêu cầu người lái xe mô tô, xe gắn máy phải khám sức khỏe định kỳ sẽ khó khả thi?
Ngày 30/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 135/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2023, trong đó yêu cầu tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an và Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các địa phương; tăng cường công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận, thống nhất; có lập luận chặt chẽ, thuyết phục để hoàn thiện dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cụ thể:
Phân định rõ hơn phạm vi điều chỉnh, nội dung quản lý nhà nước trong dự án Luật bảo đảm rõ trách nhiệm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, không để chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ trống; giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; đặc biệt là phân định rõ trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước đối với phương tiện giao thông.
Trong Nghị quyết có điểm đáng lưu ý như: “Kiểm định khí thải với xe mô tô, gắn máy (Điều 36); Khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe…, bao gồm cả mô tô, xe gắn máy (Điều 51); Dừng xe trong trường hợp khẩn cấp….(Điều 24, Điều 25)”.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng đưa ra yêu cầu đối với các bộ, ngành phải luật hóa một số các quy định đã được thực thi ổn định về kiểm định xe cơ giới và có quy định cho loại hình phương tiện thông minh trong tương lai.
Mới đây, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất quy định: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe.
Điều này đồng nghĩa với việc tới đây, không chỉ riêng lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải khám sức khỏe định kỳ mà còn áp dụng với cả người lái xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô cá nhân.
Theo các chuyên gia, hiện nay yêu cầu về giấy khám sức khỏe của người lái xe mô tô, xe gắn máy được sử dụng trong việc thi giấy phép lái xe (GPLX) hoặc khi đổi lên hạng GPLX.
Tuy nhiên, theo phân tích, việc quy định khám sức khỏe định kỳ cho tất cả người lái xe giúp đảm bảo người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đủ sức khỏe, góp phần bảo đảm TTATGT là cần thiết, song khó thực thi trong thực tế.
Bởi hiện tại chỉ quy định GPLX ô tô có thời hạn, hết thời hạn, người dân có nhu cầu lái xe tiếp phải thi lại, kiểm tra lại sức khỏe để nộp giấy khám sức khỏe làm điều kiện để được thi sát hạch cấp lại bằng lái xe.
Lái xe ô tô kinh doanh vận tải sẽ phải thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ theo quy định tại Nghị định 10/2020 và Thông tư liên tịch số 24 giữa Bộ Y tế và Bộ GTVT. Cụ thể, người sử dụng lái xe ô tô có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ và thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động (bao gồm cả lái xe, nhân viên phục trên xe), do đó, có cơ sở để giám sát việc thực thi.
Điều khó khả thi là đối với xe gắn máy, giống như các nước trên thế giới, hiện nay, tại Việt Nam cũng không quy định thời hạn GPLX. Do đó, nếu quy định kiểm tra sức khỏe định kỳ với người lái xe máy sẽ tạo ra độ vênh giữa các quy định. Trường hợp bắt buộc phải thực hiện, cần tính toán cách triển khai thế nào, bao lâu thì khám một lần, khám xong đưa kết quả về đâu, sử dụng kết quả đó nhằm mục đích gì?
Vì thế, thay vì đề xuất trên, có thể tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu được nếu sức khỏe không đảm bảo để lái xe thì không nên điều khiển phương tiện.
Cùng với đó, báo chí từng phản ánh rất nhiều về tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe. Chỉ với 200 nghìn đồng dễ dàng có được loại giấy này mà không phải đến cơ sở y tế thăm khám. Nếu quy định ban hành không giải được bài toán kiểm soát, giám sát thế nào về việc khám sức khỏe của người lái xe mô tô, xe gắn máy, không thuyết phục được người dân về ý nghĩa, hiệu quả mang lại; có thể sẽ nảy sinh tái diễn tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe tràn lan khiến việc thu thập dữ liệu sức khỏe người lái xe không chính xác lại tốn kém thêm chi phí cho người dân.
Chuyên gia cho rằng, đối với người lái xe mô tô, xe gắn máy, nên phân loại để quy định cho hợp lý. Có thể quy định khám sức khỏe định kỳ vài năm một lần với người lái xe mô tô phân khối lớn bởi tốc độ cho phép di chuyển của loại xe này lớn hơn, tiềm ẩn nhiều rủi ro về ATGT hơn.
Nếu bắt buộc phải khám sức khỏe với người lái xe tất cả các phương tiện thì chỉ nên quy định một số nhóm đối tượng cần phải thực hiện. Đơn cử như người già (trên 60 tuổi) hoặc các đối tượng có bệnh lý nền về tim mạch, hô hấp mạn tính mà ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, khả năng đi lại của họ. Các đối tượng không có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính có thể chưa cần thiết.
Theo thống kê có khoảng 45,5 triệu xe máy đang lưu hành, nếu mỗi xe máy do một người lái xe điều khiển, số tiền chi phí giấy khám sức khỏe mỗi lần cho tất cả đối tượng này thấp nhất có thể lên đến 9,1 nghìn tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ.