Yêu cầu thực hiện thủ tục hải quan và thông quan xuất khẩu gạo nếp

Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố căn cứ kết luận của Phó Thủ tướng và công văn của Bộ Công Thương để chỉ đạo các Chi cục Hải quan thực hiện thủ tục và thông quan các lô hàng gạo nếp xuất khẩu (XK).

Trong công điện khẩn gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hôm nay (22/4), Tổng cục Hải quan cho biết đã nhận được công văn số 2824/BCT-XNK ngày 22/4/2020 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn XK gạo nếp (bao gồm thóc nếp, gạo nếp, tấm nếp) trong tháng 4/2020 được thực hiện theo nhu cầu của thị trường, không chịu sự điều chỉnh của cơ chế điều hành XK gạo tại 2827/VPCP-KTTH, không tính trong hạn ngạch gạo XK tháng 4/2020.

Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố căn cứ kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 163/TB-VPCP ngày 21/4/2020 và công văn số 2824/BCT-XNK ngày 22/4/2020 của Bộ Công Thương để chỉ đạo các Chi cục Hải quan thực hiện thủ tục hải quan và thông quan các lô hàng gạo nếp XK theo đúng quy định tại Nghị định 107/2018NĐ-CP về kinh doanh XK gạo.

Thu hoạch lúa Đông Xuân ở ĐBSCL. Ảnh: CK

Thu hoạch lúa Đông Xuân ở ĐBSCL. Ảnh: CK

Trước đó, trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn về XK gạo, đại diện một DN kinh doanh XK gạo tại ĐBSCL cho rằng các DN cứ dựa theo Nghị định 107 của Chính phủ mà làm, trong đó quy định số lượng gạo mà mỗi DN phải tạm trữ để đáp ứng cho thị trường trong nước, hoàn toàn không có vấn đề gì, trong khi dừng XK thì thiệt hại không thể tính hết.

Theo tìm hiểu của PV Tiền phong, Điều 12 Nghị định 107 của Chính phủ ngày 15/8/2018 về XK gạo quy định về dự trữ lưu thông như sau: Thương nhân kinh doanh XK gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã XK trong 6 tháng trước đó.

Vừa qua các địa phương như Long An, An Giang, Đồng Tháp… đã kiến nghị Chính phủ cho phép XK gạo nếp vì diện tích trồng nhiều, sản lượng tồn kho lớn, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa rất ít.

Ngày 16/4, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ NN&PTNT cho biết diện tích gieo trồng lúa nếp vụ Đông Xuân 2019-2020 ở tỉnh Long An là khoảng 65.000ha, sản lượng ước đạt 430.000 tấn lúa nếp, tương đương khoảng 258.000 tấn gạo nếp. Còn tại tỉnh An Giang là 44.000ha, sản lượng ước đạt 325.000 tấn lúa nếp, tương đương khoảng 195.000 tấn gạo nếp.

Bộ NN&PTNT kiến nghị tiếp tục cho phép XK lượng gạo nếp hàng hóa của vụ Đông Xuân 2019-2020 và đề nghị Bộ Công Thương cung cấp tình hình XK, nhu cầu của thị trường để làm cơ sở điều tiết tỷ lệ diện tích và sản lượng lúa nếp trong các vụ tiếp theo…

Theo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 163/TB-VPCP ngày 21/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng đồng ý với đề xuất của các Bộ Công Thương, NN&PTNT, Tài chính về việc cho phép XK gạo nếp trong tháng 4/2020 theo nhu cầu của thị trường, không chịu sự điều chỉnh của cơ chế điều hành XK gạotại 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020...

Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/yeu-cau-thuc-hien-thu-tuc-hai-quan-va-thong-quan-xuat-khau-gao-nep-1646630.tpo