Yêu Huế từ những nẻo đường du xuân
Trước và trong Tết, người Huế bận rộn với biết bao công việc đón Tết và cúng cấp nên ít có thời gian du xuân. Vì thế, sau Tết, người Huế thường du xuân đến hết Nguyên tiêu. Sau Tết, thời tiết nắng đẹp, lượng người du xuân vẫn rất đông. Du xuân quanh phố phường, về với những lễ hội sau Tết nơi mỗi miền quê để càng yêu hơn đất và người xứ Huế.
Vợ chồng anh Trần Nguyên và chị Nguyễn Lệ ở Phú Lộc tranh thủ ngày Chủ nhật (mồng 9 tháng Giêng) để cho 2 đứa con nhỏ lên Huế du xuân. Dẫn các con đến trước bia Quốc Học, công viên dọc bờ sông Hương để vừa ngắm cảnh, vừa giới thiệu cho các con biết vẻ đẹp thiên nhiên xứ Huế. Anh Vũ chia sẻ: “Sau khi ngắm cảnh dọc công viên trước Trường Hai Bà Trưng, chúng tôi dẫn các con vào tham quan ở trường Quốc Học, rồi đến chợ Đông Ba. Đến những địa điểm nổi tiếng này, tôi giới thiệu cho các con nghe để các con có thêm vốn sống, hiểu thêm về vùng đất quê hương xứ Huế”.
Anh Hoàng Công Chương, người con ở thị trấn Phong Điền xa quê vào Nam lập nghiệp hơn 30 năm nay. Năm nào cũng vậy, dù bận rộn công viêc mưu sinh nơi đất khách quê người, anh vẫn cùng vợ và các con sắp xếp về quê ăn Tết. Năm nay, anh ra quê vào ngày mồng 3 Tết. Cả nhà cùng tìm về phá Tam Giang. Anh Chương tâm sự: “Được ngồi nghe sóng vỗ, thưởng thức những món đặc sản đậm đà hương vị vùng đất nơi chân sóng thật thích thú và bình yên”.
Dọc về các miền quê xứ Huế, hòa vào các lễ hội đầu năm vừa để giải trí, vừa hiểu hơn những nét văn hóa của ông cha được gìn giữ, lưu truyền từ bao đời quanh lũy tre làng. Lễ hội đua ghe mừng Đảng mừng Xuân ở thôn Trạch Phổ (Phong Hòa, Phong Điền) diễn ra trên dòng Ô Lâu thơ mộng ngày mồng 7 Tết thu hút đông đảo bà con và du khách gần xa. Sau hội đua ghe, bà con trong thôn xóm và những người con làm ăn xa quê trở về lại quay quần bên nhau trong đêm gặp mặt liên hoan văn nghệ đầu năm. Tình làng nghĩa xóm lại được thắt chặt, ấm áp, thân thương.
Lễ hội vật làng Thủ Lễ, Quảng Điền diễn ra sôi nổi vào ngày mồng 6 Tết, Hội vật làng Sình ở thôn văn hóa Lại Ân (Phú Mậu – TP. Huế) diễn ra vào đúng ngày mồng 10 tháng Giêng, thu hút bà con địa phương và du khách thập phương đến tham dự tạo nên không khí vui tươi, hào hứng. Chị Angelie, du khách Pháp tỏ ra thích thú khi được tận mắt chứng kiến những màn tranh tài của các đô vật ở Hội vật làng Sình. Chị Angelie cho biết: “Tôi rất thích hội vật, nó thật hấp dẫn, đẹp mắt. Không khí ở đây rất vui vẻ. Mọi người ai cũng háo hức dõi theo”. Đến Huế mùa xuân, hòa mình vào những lễ hội văn hóa, dân gian lại càng yêu Huế, mến Huế hơn. Huế mãi là vùng đất thơ gọi mời du khách gần xa.
Ông Nguyễn Thế, nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: Huế là Kinh đô của triều đại phong kiến nhà Nguyễn trải qua hàng trăm năm. Nơi đây đã tồn tại song song hai dòng văn hóa: văn hóa cung đình và văn hóa dân gian. Văn hóa dân gian ở Huế phong phú và đa dạng. Đặc biệt là đối với lễ hội và trò chơi dân gian của ngày xuân. Cứ mỗi dịp xuân về Tết đến, nhiều làng, xã ở Thừa Thiên Huế lại tưng bừng mở hội vui xuân với nhiều trò chơi dân gian độc đáo. Việc người dân Huế và du khách muôn nơi trực tiếp tham gia vào các lễ hội văn hóa dân gian đầu xuân thật sự có ý nghĩa, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Huế, nhất là đối với di sản văn hóa dân gian trong quá trình đô thị hóa hiện nay.
Văn Toản