Yêu thương và nghiêm khắc - Nền tảng trong giáo dục gia đình

Giáo dục gia đình luôn được xem là nền tảng quan trọng nhất trong sự hình thành nhân cách và định hướng giá trị sống cho trẻ em. Đây là nơi chứa đựng nhiều tình yêu thương, bình an, giúp trẻ 'thực hành' trước khi độc lập tồn tại trong cuộc đời nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, làm thế nào để cha mẹ có thể dung hòa giữa tình yêu thương và sự nghiêm khắc trong quá trình giáo dục là một vấn đề nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Nếu trong gia đình, cha mẹ quá yêu thương mà thiếu kỷ luật, trẻ sẽ dễ trở nên ích kỷ và thiếu trách nhiệm. Ngược lại, nếu cha mẹ quá nghiêm khắc mà thiếu sự thấu hiểu, trẻ có thể mất đi sự tự tin, sáng tạo, thậm chí để lại những tổn thương tâm lý. Do đó, yêu thương và nghiêm khắc cần được kết hợp một cách hài hòa để mang lại hiệu quả tối ưu trong giáo dục gia đình.

 Tình yêu thương là yếu tố cốt lõi giúp trẻ cảm nhận được sự an toàn và giá trị bản thân. Ảnh: Quốc Việt

Tình yêu thương là yếu tố cốt lõi giúp trẻ cảm nhận được sự an toàn và giá trị bản thân. Ảnh: Quốc Việt

Gia đình anh Minh và chị Lan ở Hà Nội là một minh chứng cho sự mất cân đối giữa yêu thương và nghiêm khắc trong giáo dục con cái. Anh Minh thường thể hiện sự nghiêm khắc trong mối quan hệ với con, thường xuyên áp đặt các quy tắc hà khắc và không để con có cơ hội bày tỏ suy nghĩ, đặc biệt với cậu con trai, nhưng lại khá dễ dãi với cô con gái.

Trong khi đó, chị Lan lại dành cho con tình yêu thương vô điều kiện, bỏ qua các lỗi sai và hiếm khi đặt ra vấn đề kỷ luật, đặc biệt với cậu con trai. Kết quả, con trai lớn của họ trở nên nhút nhát, thiếu tự tin, trong khi con gái lại có xu hướng tự do thái quá, bất chấp các nguyên tắc. Tình huống này đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để tình yêu thương và nghiêm khắc có thể cùng tồn tại và bổ trợ lẫn nhau trong giáo dục gia đình?

Yêu thương - nền tảng cho sự an toàn

Tình yêu thương là yếu tố cốt lõi giúp trẻ cảm nhận được sự an toàn và giá trị bản thân. Theo Maslow (1943), nhu cầu được yêu thương và thừa nhận là một trong những nhu cầu căn bản nhất của con người. Trong môi trường gia đình, sự đồng hành và thấu hiểu từ cha mẹ không chỉ giúp trẻ phát triển lòng tự tin mà còn hình thành tư duy độc lập và khả năng giao tiếp hiệu quả. Tình yêu thương của cha mẹ không chỉ là chỗ dựa tinh thần mà còn là động lực để trẻ vượt qua khó khăn. Khi trẻ cảm nhận được sự yêu thương, chúng sẽ dễ dàng học hỏi và phát triển các kỹ năng xã hội tích cực.

Tuy nhiên, tình yêu thương thái quá, không đi kèm kỷ luật, có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực. Trẻ dễ trở nên ỷ lại, thiếu trách nhiệm và không biết tôn trọng quy tắc. Điều này có thể cản trở sự phát triển nhân cách và khả năng tự lập của trẻ trong tương lai.

Nghiêm khắc - trụ cột của tính kỷ luật

Bên cạnh tình yêu thương, nghiêm khắc và kỷ luật đóng vai trò không thể thiếu trong giáo dục gia đình. Theo Baumrind (1991), phong cách giáo dục độc đoán - trong đó cha mẹ đặt ra các quy tắc rõ ràng và giải thích cho con hiểu - mang lại hiệu quả tích cực nhất trong việc phát triển nhân cách.

 Bên cạnh tình yêu thương, nghiêm khắc và kỷ luật đóng vai trò không thể thiếu trong giáo dục gia đình

Bên cạnh tình yêu thương, nghiêm khắc và kỷ luật đóng vai trò không thể thiếu trong giáo dục gia đình

Nghiêm khắc không đồng nghĩa với áp đặt hay trừng phạt, mà là cách giúp trẻ nhận thức được hậu quả của hành vi và trách nhiệm của mình. Một câu tục ngữ quen thuộc của người Việt thường nhắc nhở: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Tuy nhiên, sự nghiêm khắc cần được thể hiện một cách xây dựng, dựa trên sự tôn trọng và thấu cảm.

Giáo dục gia đình là nền tảng quan trọng nhất trong sự phát triển nhân cách của trẻ. Tình yêu thương và sự nghiêm khắc không phải là hai mặt đối lập mà là hai yếu tố bổ sung lẫn nhau. Chỉ khi cha mẹ biết kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố này, trẻ mới có thể phát triển toàn diện về cả trí tuệ, cảm xúc và đạo đức, đặc biệt trong bối cảnh xã hội tồn tại nhiều phức tạp và yếu tố nguy cơ như hiện nay.

Giáo dục con là một công trình cuộc đời của cha mẹ. Đây là công việc không dễ dàng. Giáo dục gia đình không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghệ thuật, đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết, tình yêu, tâm huyết và nhiều kỹ năng của cả cha và mẹ.

Nghiên cứu của Skinner (1953) về hành vi con người đã chỉ ra rằng, việc kết hợp giữa khen thưởng và hình phạt mang tính xây dựng có thể giúp trẻ hình thành các thói quen tốt, đồng thời giảm thiểu các hành vi tiêu cực. Tuy nhiên, nếu sự nghiêm khắc bị lạm dụng, trẻ có thể cảm thấy áp lực, sợ hãi, mất đi khả năng sáng tạo, thậm chí là tổn thương tâm lý. Một môi trường giáo dục quá nghiêm khắc sẽ khiến trẻ dễ hình thành tâm lý chống đối, thu mình, thậm chí dẫn đến các rối nhiễu tâm lý.

Thực tế cho thấy, một số cha mẹ Việt có xu hướng bao bọc và nuông chiều con quá mức, lo sợ con chịu khổ hoặc gặp thất bại. Điều này khiến trẻ trở nên lệ thuộc, thiếu tự tin và không biết cách đối mặt với khó khăn. Ngược lại, một số cha mẹ lại áp dụng phong cách giáo dục hà khắc, đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối ở con và thường xuyên trách mắng hoặc trừng phạt khi con mắc lỗi. Trẻ lớn lên trong môi trường này thường có xu hướng sợ hãi, thiếu tự tin và gặp khó khăn trong việc thể hiện bản thân.

Câu tục ngữ “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” chứa đựng một triết lý giáo dục sâu sắc. Việc kỷ luật trẻ trong một số tình huống phù hợp nhằm hướng dẫn và sửa chữa hành vi là điều cần thiết. Tuy nhiên, cách tiếp cận này chỉ phù hợp khi cha mẹ biết giới hạn, tránh lạm dụng trừng phạt thể xác hoặc tâm lý, có thể tạo ra sự bất ổn và tổn thương tâm lý cho trẻ. Trong thời hiện đại, nhiều nghiên cứu cho thấy phương pháp này cần được điều chỉnh để tập trung vào kỷ luật tích cực thay vì lạm dụng kỷ luật bằng roi vọt và trách mắng.

Kết hợp hài hòa giữa tình yêu thương và nghiêm khắc - yếu tố quyết định thành công trong giáo dục gia đình

Sự kết hợp giữa yêu thương và nghiêm khắc là chìa khóa để xây dựng một môi trường giáo dục gia đình lý tưởng. Theo Darling và Steinberg (1993), phong cách giáo dục cân bằng - nơi cha mẹ vừa đặt ra các nguyên tắc rõ ràng vừa thể hiện sự quan tâm - đã chứng minh hiệu quả vượt trội trong việc định hình nhân cách và đạo đức của trẻ.

Khi cha mẹ biết kết hợp yêu thương và nghiêm khắc, trẻ sẽ học được cách đối mặt với khó khăn, phát triển tính trách nhiệm và khả năng giải quyết xung đột. Cơ chế tác động của sự kết hợp này dựa trên việc tạo ra môi trường vừa an toàn, vừa đầy thách thức và khuyến khích trẻ đối mặt để giải quyết. Tình yêu thương giúp trẻ cảm thấy được bảo vệ, trong khi sự nghiêm khắc đặt ra các chuẩn mực để trẻ phấn đấu, rèn luyện ý chí và vươn lên.

Chính vì vậy, trong quá trình giáo dục con, cha mẹ nên dành thời gian để trò chuyện và lắng nghe suy nghĩ của trẻ, tạo không gian để trẻ bày tỏ cảm xúc. Các quy tắc gia đình cần được thiết lập một cách minh bạch, nhất quán và thực hiện một cách đầy đủ. Cha mẹ cũng cần trở thành tấm gương về đạo đức và tính kỷ luật để trẻ noi theo. Đồng thời, trong quá trình giáo dục, cần khuyến khích hành vi tích cực ở trẻ bằng cách khen thưởng và sử dụng hình thức kỷ luật tích cực, mang tính giáo dục đối với hành vi sai trái.

TS Hoàng Trung Học, Học viện Quản lý Giáo dục

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/yeu-thuong-va-nghiem-khac-nen-tang-trong-giao-duc-gia-dinh-post400320.html