Yếu tố khiến giới quân sự toàn cầu quan tâm 'giải mã' không chiến Ấn Độ-Pakistan

Giới quân sự toàn cầu đang tập trung nghiên cứu cuộc đối đầu trên không giữa tiêm kích Trung Quốc sản xuất do Pakistan vận hành và chiến đấu cơ Rafale do Pháp chế tạo của Ấn Độ, với hy vọng rút ra những bài học chiến thuật.

Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp trình diễn tại một triển lãm hàng không Ấn Độ. Ảnh tư liệu: EPA/TTXVN

Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp trình diễn tại một triển lãm hàng không Ấn Độ. Ảnh tư liệu: EPA/TTXVN

Sáng 7/5, quân đội Ấn Độ xác nhận đã tiến hành không kích trong khuôn khổ “Chiến dịch Sindoor” nhằm vô hiệu hóa 9 địa điểm tại Pakistan mà New Delhi cho là “cơ sở nơi khủng bố lên kế hoạch và chỉ đạo những vụ tấn công Ấn Độ”.

Global Times (Trung Quốc) dẫn phát biểu của Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Ishaq Dar tại Quốc hội Pakistan ngày 7/5 khẳng định quân đội nước này đã bắn hạ 5 máy bay Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ đã bác bỏ dữ liệu phía Pakistan đưa ra và gọi đó là “thông tin sai lệch”.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết tiêm kích do Trung Quốc sản xuất, thuộc phiên chế của không quân Pakistan, đã bắn rơi 2 máy bay quân sự của Ấn Độ vào ngày 7/5.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng Dar nhấn mạnh rằng chiến đấu cơ J-10C do Trung Quốc chế tạo có góp mặt trong phản ứng của Pakistan trước cuộc không kích của Ấn Độ. Không quân Pakistan là lực lượng duy nhất vận hành chiến đấu cơ J-10C ngoài Trung Quốc.

Nếu cuộc đụng độ trên không hiếm hoi giữa tiêm kích Trung Quốc sản xuất và chiến đấu cơ Pháp chế tạo này là thực tế thì nó được coi là cơ hội hiếm để giới quân sự nghiên cứu khả năng của phi công, tiêm kích và tên lửa không đối không trong thực chiến, từ đó rút ra kinh nghiệm cho chính lực lượng không quân của họ.

Một chiến đấu cơ J-10CE. Ảnh: Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC)

Một chiến đấu cơ J-10CE. Ảnh: Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC)

Chiến đấu cơ đa nhiệm J-10 do Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô thiết kế và sản xuất. J-10C là phiên bản nâng cấp của J-10, có thể phóng tên lửa PL-15. Các bài đăng trên mạng xã hội đã tập trung vào hiệu suất của tên lửa không đối không PL-15 của Trung Quốc so với tên lửa không đối không radar dẫn đường Meteor do tập đoàn MBDA của châu Âu sản xuất. Tuy nhiên, chưa có xác nhận chính thức nào về việc những vũ khí này đã được sử dụng.

Ông Douglas Barrie tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) phân tích: “Cộng đồng chuyên về tác chiến trên không tại Trung Quốc, Mỹ cùng nhiều nước châu Âu hẳn sẽ vô cùng quan tâm và muốn nắm bắt mọi chi tiết thực tế có thể về chiến thuật, kỹ thuật, quy trình, các loại vũ khí được sử dụng, cái gì hiệu quả và không. Đây có thể là màn đối đầu giữa vũ khí tối tân của Trung Quốc và phương Tây, nếu thực sự chúng đã được đưa ra mặt trận. Dù vậy, điều này vẫn chưa thể xác minh”.

Nhà sản xuất chiến đấu cơ Rafale – tập đoàn Dassault Aviation đã từ chối bình luận và MBDA cũng chưa có hồi đáp khi truyền thông đặt câu hỏi về vấn đề này.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều chi tiết quan trọng chưa rõ ràng, bao gồm việc Meteor có hiện diện hay không và loại hình cũng như thời lượng huấn luyện thực tế của phi công.

Chuyên gia quốc phòng Byron Callan tại Mỹ lưu ý rằng các công ty vũ khí Mỹ liên tục nhận được phản hồi về năng lực sản phẩm của họ trong xung đột tại Ukraine. Bên cạnh đó, ông Callan nhấn mạnh: “Tôi hoàn toàn tin rằng các nhà cung cấp châu Âu của Ấn Độ cũng có quan tâm tương tự, và Pakistan cùng Trung Quốc có lẽ cũng đang trao đổi thông tin như vậy. Nếu tên lửa PL-15 hoạt động đúng như công bố, hoặc thậm chí tốt hơn, thì Trung Quốc chắc chắn sẽ muốn biết điều đó”.

Ông Barrie tin rằng Pakistan rất có thể sở hữu phiên bản xuất khẩu của PL-15. Trong nhiều năm, phương Tây đã để mắt đến tầm bắn và hiệu suất của PL-15. Sự xuất hiện của tên lửa này được coi là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không còn phụ thuộc nhiều vào công nghệ có nguồn gốc từ thời Liên Xô nữa.

Trong khi đó, tầm bắn của Meteor vẫn chưa được công bố chính thức.

Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/yeu-to-khien-gioi-quan-su-toan-cau-quan-tam-giai-ma-khong-chien-an-dopakistan-20250509102927565.htm