Yếu tố Mỹ, Trung Quốc trong kiến trúc an ninh khu vực

Việc Washington và Bắc Kinh tăng cường đối thoại có thể sẽ mở ra những cơ hội để quản trị tốt hơn cạnh tranh Mỹ-Trung cũng như góp phần hạ nhiệt những điểm nóng trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh những lời chỉ trích thường thấy về động thái của nhau tại khu vực, Đối thoại Shangri-La hay Hội nghị cấp cao an ninh châu Á diễn ra hồi đầu tháng ở Singapore lại cho thấy những tiến triển trong nỗ lực quản trị cạnh tranh Mỹ-Trung.

Căng thẳng vẫn chi phối

Thông điệp của Mỹ tại Đối thoại Shangri-La năm nay được đánh giá là “bình mới rượu cũ”, không có gì mang tính bất ngờ. Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh về vai trò của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong chính sách an ninh của Mỹ.

 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân bên lề Đối thoại Shangri-La 2024 hôm 31-5 tại Singapore. Ảnh: X

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân bên lề Đối thoại Shangri-La 2024 hôm 31-5 tại Singapore. Ảnh: X

Người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định rằng “nước Mỹ chỉ được đảm bảo an ninh khi châu Á cũng được đảm bảo an ninh, và đó là lý do tại sao Mỹ sẽ luôn duy trì sự hiện diện trong khu vực”. Thông điệp này được xem là một sự trấn an các đồng minh và đối tác của Mỹ tại châu Á, trong bối cảnh nhiều luồng ý kiến cho rằng nước này đang “lơ là” tại khu vực khi tập trung nhiều nguồn lực cho chiến sự tại Ukraine và Trung Đông.

Ở phía Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân dành phần lớn thời lượng trong bài phát biểu của mình để đề cập Đài Loan. Ông Quân dành những lời lẽ khá cứng rắn để chỉ trích hòn đảo này cũng như nhà lãnh đạo mới nhậm chức là ông Lại Thanh Đức.

Mặt khác, Mỹ và Trung Quốc cũng đưa ra những tầm nhìn khác nhau về kiến trúc an ninh khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề xuất một “sự hội tụ” của “các sáng kiến và thể chế chồng chéo và bổ sung”. Theo đó, nước này khuyến khích các quốc gia trong khu vực xúc tiến các mối quan hệ liên kết bền chặt và linh hoạt hơn mà không cần gắn kết cụ thể vào một liên minh hay mối liên kết cụ thể nào.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đề xuất “năm nguyên tắc chung sống hòa bình”: (1) tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; (2) không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; (3) không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; (4) bình đẳng và cùng có lợi; (5) cùng tồn tại hòa bình.

Nỗ lực quản trị rủi ro

Mặc dù vẫn còn nhiều “lời qua tiếng lại”, nhưng tại Đối thoại Shangri-La năm nay, một vài diễn biến đáng lưu tâm cho thấy Mỹ và Trung Quốc đã thực sự quan tâm đến việc quản trị mối quan hệ của hai bên.

Trong bài phát biểu của mình, ông Austin lên án những hành vi gây căng thẳng trên Biển Đông mà không trực tiếp đề cập Trung Quốc. Mặt khác, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc cũng đã có cuộc gặp mặt riêng bên lề Đối thoại Shangri-La. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo quốc phòng hai nước kể từ tháng 11-2023. Tại Đối thoại Shangri-La 2023, lãnh đạo quốc phòng hai bên, ông Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khi đó là ông Lý Thượng Phúc chỉ có cử chỉ “xã giao” qua một cái bắt tay mà không có bất kỳ cuộc trao đổi nào.

Tại cuộc gặp mặt, hai bên đã có những cuộc trao đổi “thẳng thắn” về nhiều vấn đề. Tâm điểm của cuộc gặp mặt vẫn xoay quanh vấn đề Đài Loan. Phía Mỹ bày tỏ sự quan ngại về các động thái quân sự gần đây của Trung Quốc xung quanh đảo Đài Loan. Phía Trung Quốc cảnh báo rằng Mỹ không nên can thiệp vào vấn đề Đài Loan - vốn được xem là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và nước này sẽ không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất.

 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân tại Đối thoại Shangri-La 2024. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân tại Đối thoại Shangri-La 2024. Ảnh: AFP

Trong khi đó, ông Austin nhấn mạnh cam kết của Mỹ với chính sách “một Trung Quốc” nhưng khẳng định nước này sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép. Hai bên cũng có những trao đổi về các vấn đề nóng khác, như Biển Đông, xung đột Nga - Ukraine cũng như cuộc chiến Israel - Hamas ở Dải Gaza.

Mặc dù còn nhiều bất đồng, và vấn đề giữa hai bên không thể giải quyết dứt điểm chỉ với một cuộc gặp mặt. Nhưng nỗ lực ngồi lại và có những trao đổi được xem là điều cần thiết. Trong suốt cuộc gặp mặt kéo dài khoảng 75 phút, hai bên đều nhất trí về việc cần duy trì liên lạc giữa hai bên. Cuộc gặp mặt đánh dấu việc tái ổn định lại liên lạc quân sự giữa hai bên sau một thời gian dài bị giảm sút nghiêm trọng.

Trước đó, khi ông Đổng Quân được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, hai người đồng cấp cũng đã có một cuộc hội đàm qua điện thoại. Tại cuộc gặp ở TP. San Francisco (Mỹ) vào tháng 11-2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí nối lại các kênh liên lạc quân sự. Bộ trưởng Austin cũng cho biết rằng hai nước cũng sẽ xúc tiến các cuộc hội đàm trong thời gian tới.

Hàm ý đối với an ninh khu vực

Mặc dù không đem lại quá nhiều đột phá, nhưng việc hai nước có những động thái ngồi lại cùng nhau là một tiến bộ đáng khích lệ, không chỉ đối với quan hệ song phương hai nước, mà còn đối với khu vực.

Việc Mỹ và Trung Quốc tăng cường đối thoại có thể sẽ mở ra những cơ hội để giải quyết một số điểm nóng trong khu vực. Chẳng hạn, việc Mỹ - Trung cùng xuống thang có thể giảm thiểu một số căng thẳng tại eo biển Đài Loan. Hai bên có thể xúc tiến các hoạt động đối thoại nhằm tránh các hành vi gây leo thang căng thẳng.

Chẳng hạn, Trung Quốc có thể “thả lỏng” các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan và Mỹ hạn chế các chuyến thăm của các quan chức cấp cao đến Đài Loan. Sự việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi đến hòn đảo này gây ra một sự cố ngoại giao nghiêm trọng giữa hai nước vào năm 2022 là một bài học đáng nhớ trong quản trị quan hệ hai nước.

Mặt khác, việc xúc tiến đối thoại cũng giúp hạn chế các rủi ro do tính toán sai lầm hoặc nhiễu loạn thông tin. Dù cả hai cường quốc đều cố gắng quản trị các hoạt động của mình, nhưng bất kỳ rủi ro hoặc sự cố nào trên thực địa đều có thể dẫn đến kết quả rất tiêu cực. Việc nối lại đường dây liên hệ quân sự được xem là một nỗ lực cần thiết để giảm thiểu các trường hợp như vậy.

Có lẽ ở một tương lai xa hơn, nhưng khả thi ở một số góc độ, việc Mỹ - Trung quản trị tốt xung đột và cạnh tranh cũng mở ra những cơ hội nhằm giải quyết các vấn đề an ninh khu vực. Ví dụ, Trung Quốc và Mỹ có thể dùng vai trò của mình để thúc đẩy Triều Tiên và Hàn Quốc giải quyết các vấn đề liên quan căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Hoặc hai bên có thể tìm ra được các biện pháp quản trị căng thẳng giữa Trung Quốc và các đồng minh và đối tác của Mỹ như Philippines trên Biển Đông.

Trung Quốc cáo buộc Mỹ kích động chạy đua vũ trang ở Biển Đông

Ngày 9-6, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông cáo buộc Mỹ là bên đặt ra thách thức an ninh lớn nhất tại Biển Đông khi triển khai hoạt động quân sự trong khu vực, biến Biển Đông thành “vòng xoáy của một cuộc chạy đua vũ trang”, theo trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Theo nhà ngoại giao Trung Quốc, các lực lượng do Mỹ dẫn đầu đang “thúc đẩy việc triển khai hành động quân sự ở Biển Đông, kích động và gia tăng các tranh chấp, mâu thuẫn trên biển, cũng như làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển”.

Ông Tôn cho rằng động thái triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung của Mỹ “đang kéo khu vực vào vòng xoáy của một cuộc chạy đua vũ trang, đặt toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương dưới cái bóng của các cuộc xung đột địa chính trị”.

Cũng theo ông Tôn, Bắc Kinh cam kết giải quyết các tranh chấp với các bên ở Biển Đông thông qua đối thoại.

TS. NGUYỄN TĂNG NGHỊ - QUỐC ANH (NHÓM NGHIÊN CỨU KHOA QHQT, TRƯỜNG ĐH KHXH&NV TP. HCM)

Nguồn PLO: https://plo.vn/yeu-to-my-trung-quoc-trong-kien-truc-an-ninh-khu-vuc-post794993.html